Gỡ vướng trong hoạt động đấu giá tài sản

20/09/2023, 06:21

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức hành nghề đấu giá; có 5 đấu giá viên hoạt động hành nghề; có 3 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản hợp danh từ tỉnh khác được thành lập tại Bình Thuận. Với số lượng tổ chức hành nghề đấu giá và đấu giá viên hiện nay trên địa bàn tỉnh được nhìn nhận chưa phát triển nhiều.

z4697973276518_36f75754aa5ba572c01e3ccfdcab71da.jpg

Công khai, minh bạch tài sản đấu giá

Hoạt động đấu giá tài sản chủ yếu thực hiện tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (gọi Trung tâm) thuộc Sở Tư pháp đã đóng vai trò quan trọng góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, Nhà nước, phòng tránh lãng phí, thất thoát tài sản công và góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

Năm 2022, Trung tâm đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với các đơn vị nhà nước xử lý để nộp vào ngân sách nhà nước: 174 hợp đồng; riêng tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước là: 121 hợp đồng; tổ chức đấu giá thành công tài sản do các đơn vị nhà nước xử lý để nộp vào ngân sách nhà nước: 206 cuộc, mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm là: 43,287 tỷ đồng… riêng tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước là: 62 cuộc, mức chênh lệch giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm là: 331 triệu đồng; số tiền nộp ngân sách/thuế: 110,221 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023: Tổng số vụ việc ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã thực hiện: 293 hợp đồng với tổng giá trị: 1.078 tỷ đồng; số cuộc đấu giá thành: 102 cuộc; tổng giá trị đấu giá thành: 46,159 tỷ đồng; giá trị vượt so với giá khởi điểm: 2,149 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá, đảm bảo tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá.

Còn đó những vướng mắc

Về triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản: Tại khoản 1 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá”.

Theo quy định trên thì bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá. Tuy nhiên hiện nay, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, cũng như cách thức để xác định bước giá, thực tế tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua hầu hết các cuộc đấu giá (nhất là đấu giá quyền sử dụng đất) thì các đơn vị có tài sản đều quyết định bước giá không được thấp hơn 1% so với giá khởi điểm của từng lô đất dẫn đến một số trường hợp mức tối thiểu và tối đa của mỗi lần trả giá không cao nhiều hơn giá khởi điểm, cơ quan quản lý nhà nước không áp dụng thống nhất trong việc quản lý và giám sát hoạt động đấu giá và việc điều tra, xử lý vi phạm nhiều khi gặp khó khăn.

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong thời gian qua đã căn cứ vào “tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản ” tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, từ quy định trên dẫn đến thực tế một số đơn vị có tài sản đấu giá đề ra các tiêu chí “chủ quan”, thiếu minh bạch, không trực tiếp liên quan việc tổ chức cuộc đấu giá mà chủ yếu hướng đến tổ chức đấu giá đã được lựa chọn trước. Điều này đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực, thông đồng giữa người có tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Hiện nay, hồ sơ năng lực của một tổ chức đấu giá tài sản khi nộp cho đơn vị có tài sản để tham gia hoàn toàn do chính tổ chức đấu giá đó khai, tự chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp và chưa được thẩm định bởi một cơ quan chức năng nào. Do vậy, tính trung thực tại hồ sơ năng lực của các tổ chức đấu giá tài sản là một vấn đề cần phải có văn bản pháp luật quy định để kiểm soát chặt chẽ, phù hợp hơn.

Trên thực tế, để có hồ sơ đủ tính cạnh tranh thì sẽ có hiện tượng một số đơn vị không thực hiện đúng theo nội dung quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp, trong khi đó, hoạt động xem xét, lựa chọn tổ chức đấu giá cần phải nhanh chóng, kịp thời để gửi thông tin về kết quả lựa chọn trên trang thông tin về đấu giá để cho đơn vị được lựa chọn biết ký kết hợp đồng đấu giá. Trường hợp có đơn vị khác khiếu nại đơn vị có tài sản về kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá thì Sở Tư pháp rất khó để tiếp cận, gửi phản ánh và đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn; nếu tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động này thì cần phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra nên sẽ không bảo đảm tính kịp thời.

Chính vì vậy, tỉnh đã kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, quy định của Luật Đấu giá tài sản liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, đấu giá tài sản thi hành án. Cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ của người trúng đấu giá theo quy định, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản.

NHƯ NGUYỄN; ẢNH Đ.HÒA

Related articles
Dáng dấp thành phố du lịch
Những tuyến đường 4 đến 6 làn xe hình thành như Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… tạo nên một Phan Thiết liền mạch thông thoáng với những khóm hoa tươi nhẹ nhàng khoe sắc mỗi sáng mai khiến du khách mê mẩn đã đến sẽ bị níu chân khó rời đi…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ vướng trong hoạt động đấu giá tài sản