Giải quyết khó khăn chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng

25/07/2023, 05:55

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2023 kinh phí giao khoán bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đối với các nguồn từ ngân sách Trung ương và địa phương đang trình UBND tỉnh phê duyệt phân khai chi tiết. Do đó, hiện chưa có căn cứ chi trả kinh phí, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, dẫn đến việc chậm tiến độ chi trả cho hộ nhận khoán.

Vướng thủ tục

Vừa qua, tại phiên giải trình của HĐND tỉnh, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, liên quan đến việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh, hiện có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, dẫn đến việc chậm tiến độ chi trả kinh phí.

z4542049437341_b9947aa1a13ec810140da47cc7248110.jpg
Giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo lý giải của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, kinh phí khoán bảo vệ rừng vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 trở về trước do UBND tỉnh phân khai kinh phí trong quý I hoặc quý II hàng năm. Riêng phân khai kinh phí Trung ương hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 được UBND tỉnh phê duyệt vào đầu quý III nên việc chi trả cơ bản đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, việc chi trả kinh phí thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ ĐBDTTS rất chậm do chuyển tiếp giai đoạn thực hiện và ban hành chính sách mới (Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nên nguồn kinh phí thực hiện Chương trình được Trung ương phân bổ về tỉnh chậm (tháng 8/2022). Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 các chủ rừng mới hoàn thành chi trả công khoán bảo vệ rừng cho các hộ ĐBDTTS nhận khoán. Đặc biệt trong năm 2023, sau khi HĐND tỉnh thông qua kế hoạch phân bổ kinh phí đối với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 9/5/2023, quá trình phối hợp của các sở, ngành vẫn còn chậm nên hiện nay UBND tỉnh chưa phê duyệt kinh phí chi trả.

Ngoài ra, hiện UBND tỉnh lập hồ sơ thiết kế với hạn mức khoán không quá 30 ha/hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 18 và số hộ chênh lệch (tăng 356 hộ) so với số hộ được phê duyệt. Việc quyết định số hộ chênh lệch so với Nghị quyết 18 thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh nên UBND chỉ đạo các sở, ngành tham mưu trình HĐND tỉnh. Vì vậy, năm 2023 vẫn chưa phân khai kinh phí chi trả. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp gần 132.600 ha.

Cần giải quyết dứt điểm việc chậm tiến độ

Từ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh cho rằng, để việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng cho ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh kịp thời trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan có kế hoạch, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại. Nhất là giải quyết dứt điểm việc chậm tiến độ phân khai kinh phí khoán bảo vệ rừng. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, hàng năm sớm xây dựng kế hoạch và phối hợp có hiệu quả với các cơ quan liên quan để trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí chi trả công cho hộ nhận khoán. Đẩy nhanh tiến độ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ vốn năm 2024 kịp thời thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, trong đó có Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 - chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Các địa phương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 18 để trình HĐND tỉnh. Nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng giao thẩm quyền để UBND tỉnh quyết định tăng, giảm số hộ nhận khoán bảo vệ rừng cụ thể trên cơ sở hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo hạn mức khoán theo quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó, đôn đốc các đơn vị chủ rừng hoàn thành lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các hộ nhận khoán. Đồng thời, thực hiện thủ tục thanh toán kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán, trình độ nhận thức của hộ nhận khoán.

K. HẰNG

Related articles
Đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc đang bị lấn chiếm. Bài 1.
Bài 1: Trồng hoa màu, sang nhượng trái phép trên đất trồng rừng

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết khó khăn chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng