Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở KH & CN Nguyễn Hoài Trung nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học với các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhận diện những thách thức cụ thể trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương; gợi mở những định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn đời sống,thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Các giải pháp trên được triển khai theo Chương trình hành động số 102-CTr/TU ngày 21/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Kế hoạch số 677/KH-UBND ngày 25/2/2025 UBND tỉnh Bình Thuận; phù hợp chủ trương Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.


Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học cung cấp nhiều góc nhìn thực tiễn, giải pháp ứng dụng, đề xuất chính sách thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ cho các lĩnh vực lợi thế của tỉnh. Cụ thể, PGS.TS Đặng Xuân Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh giới thiệu mô hình nhà máy tích hợp công nghệ cao như công nghệ enzyme, AI, blockchain và NFT, chế biến phụ phẩm nông thủy sản thành sản phẩm giá trị gia tăng (viên nang, mặt nạ, vật liệu bao gói sinh học). PGS. TS. Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm quốc tế (Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Trung Quốc) trong thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ; đề xuất mô hình chính sách phù hợp cho Bình Thuận, nhấn mạnh vai trò hạ tầng số, đổi mới sáng tạo, ưu đãi tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực số. TS. Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố thông tin các kết quả chuyển giao hàng loạt giống cây trồng mới (nho, táo, mãng cầu, nha đam, ...), quy trình canh tác hữu cơ, ứng dụng nhà màng, tưới tiết kiệm và mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ; các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và VietGAP giúp tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao giá trị nông sản. Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp EDEN HUB trình bày kinh nghiệm thực tiễn số hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ như AI, IoT, nền tảng quản lý canh tác số và mã QR truy xuất nguồn gốc.



Trong khuôn khổ này, doanh nghiệp khoa học công nghệ của Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp EDEN HUB đã ký kết hợp tác với sàn thương mại điện tử Felix trong ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận một số giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý đối với địa bàn cấp xã sáp nhập đi vào hoạt động sắp tới; khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, sản xuất. Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ, các chuyên gia đã trả lời thỏa đáng các vấn đề đại biểu quan tâm.