Gặp mặt và đối thoại với đội ngũ trí thức tỉnh: Giải đáp nhiều vấn đề nóng, bức xúc từ cơ sở

14/03/2022, 15:35

BTO-Cuối tuần qua, buổi gặp mặt, đối thoại với hơn 100 đại biểu là đội ngũ trí thức tỉnh diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã giải đáp và thông tin thêm nhiều nội dung quan trọng để đội ngũ trí thức nắm bắt rõ hơn, từ đó có những đề xuất, hiến kế cho sự phát triển chung của tỉnh.

Từ công tác xây dựng Đảng

Tham gia buổi gặp mặt, đại biểu Trần Nhật Nghĩa – thành viên Câu lạc bộ trí thức tỉnh đã nêu thực trạng về sự sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực ở một số cán bộ đảng viên; đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Đại biểu cũng kiến nghị việc thực hiện chế độ chính sách, chăm lo lợi ích về tinh thần và vật chất, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đảm bảo làm sao để chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả. Sau khi lắng nghe, Bí thư Tỉnh ủy hoan nghênh ý kiến góp ý của đại biểu và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảng. Sau khi dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài... Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác…”, Bí thư Tỉnh ủy thừa nhận trong Đảng không thể đảm bảo 100% đảng viên đều trong sạch. Chính vì vậy, Đảng mới có công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi hành kỷ luật theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai”.

image007.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi gặp mặt.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh thêm, mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những yêu cầu cao hơn, phạm vi rộng hơn, biện pháp mạnh mẽ hơn. Hiện nay, Tỉnh ủy đang triển khai thực hiện kết luận này và sẽ quyết liệt trong xử lý đảng viên vi phạm theo quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Về chế độ chính sách đối với cán bộ đảng viên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng hiện nay Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn, sự cống hiến và điều kiện của đất nước, trên nguyên tắc bình đẳng giữa mọi người và “có công thì thưởng, có tội thì xử lý”. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, làm cán bộ đảng viên thì phải “cống hiến”; “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, phải “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…” như lời Bác Hồ căn dặn.

Trước “chất vấn” Tỉnh ủy đã làm gì để khắc phục mặt hạn chế, yếu kém ghi trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV: “Năng lực, trình độ của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa tự giác rèn luyện, trách nhiệm chưa cao, phong cách làm việc chậm đổi mới; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm”…, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời cũng sẵn sàng thay thế cán bộ yếu kém, né tránh trách nhiệm, vô cảm trước đòi hỏi bức xúc của nhân dân. Từ sau đại hội đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bố trí điều động, luân chuyển, bổ nhiệm nhiều cán bộ ở các địa phương, các lĩnh vực; thời gian tới vẫn tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ với phương châm và quan điểm như trên.

Xung quanh kiến nghị cần chú trọng bồi dưỡng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Bí thư Tỉnh ủy thừa nhận trong nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền có tình trạng xem nhẹ vai trò, vị trí công tác dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, công tác dân vận có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Dẫn lời Bác Hồ: “Cán bộ dân vận là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”; “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, làm việc gì mà tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thì rất tốt, khó mấy cũng thành công. Muốn vậy thì phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.

Đến trăn trở “nút thắt” ý thức

Cũng tại buổi gặp mặt, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Xê đã nêu lên thực trạng đáng buồn hiện nay của tỉnh là người dân chưa thực sự hài lòng về thái độ phục vụ của một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước. Một số công chức chưa có trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp; chưa hướng tới một chính quyền tương tác, kiến tạo và đồng hành cùng người dân.

img_7139.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Xê kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy.

Thống nhất cao với ý kiến này, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ trăn trở mong muốn làm sao tháo gỡ điểm nghẽn chủ quan thuộc về nhân tố con người để đưa tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: Trước đây, chúng ta thường nhắc đến điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó là giao thông đối ngoại; chồng lấn quy hoạch Titan với các quy hoạch khác. Hiện nay, cảng biển đã có, cao tốc, sân bay sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, đầu năm 2023; chồng lấn quy hoạch Titan đã có Nghị định số 51 của Chính phủ tháo gỡ. Như vậy, những điểm nghẽn về khách quan không còn. Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ suy nghĩ: “Lâu nay chúng ta không nhận thấy một điểm nghẽn rất quan trọng, nhưng nếu có quyết tâm, nỗ lực thì giải quyết được, mà không cần tiền, không cần sự hỗ trợ của Trung ương; đó là những tắc trách trong triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước, đó là việc cụ thể hóa các chính sách địa phương, thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, là ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Dẫn chứng về điều này, Bí thư Tỉnh ủy nêu ví dụ về 4 chỉ số đo lường của tỉnh trong 3 năm gần đây. Cụ thể, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đều có xu hướng “tụt hạng” và nằm ở vị trí cuối của cả nước (trừ Chỉ số PCI nằm trong nhóm trung bình của cả nước). Thậm chí, chỉ số SIPAS trong 2 năm gần đây thấp nhất cả nước, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Điều này đã kìm hãm sự phát triển của tỉnh, không sớm cải thiện thì chúng ta sẽ bị chậm chân, bị thụt lùi trong khi các địa phương khác phát triển”.

Về giải pháp, Bí thư Tỉnh ủy thông tin, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. “Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, phải xem doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ, là “khách hàng” của chính quyền, của cơ quan nhà nước. Chính phủ đã có thông điệp là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân thì tỉnh cũng phải xây dựng chính quyền các cấp kiến tạo, liêm chính, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân; lãnh đạo nào, cán bộ công chức nào không làm được, không theo kịp thì “đứng sang một bên” để người khác làm; sẵn sàng thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực…” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

img_7130.jpeg
Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Nhiều vấn đề thời sự được đề cập

Trao đổi với đội ngũ trí thức, Bí thư Tỉnh ủy đã giải đáp đồng thời thông tin thêm nhiều vấn đề đội ngũ trí thức quan tâm, qua đó giúp đại biểu thấy rõ công việc mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã triển khai từ ngay sau đại hội. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh song với những giải pháp quyết liệt, linh hoạt tỉnh vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả khả quan. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 chỉ đạt 2,77% nhưng thu ngân sách nhà nước đạt 166,86% dự toán, tăng 122,36% so với năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển với giá trị sản xuất tăng 6,16%, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 21,8%, thu hút vốn đầu tư và phát triển tăng 8,6% so với năm 2020. Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm tiến độ thi công và giải ngân…

Để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề gồm: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị tăng cao; Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Nghị quyết về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về chuyển đổi số. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, với việc ban hành các nghị quyết trên, Bình Thuận định hình được tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho 5 - 10 năm tới trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mà Bình Thuận có tiềm năng và lợi thế. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong quý II/2022, Tỉnh ủy sẽ ban hành một nghị quyết rất “sát sườn” với nhân dân đó là Nghị quyết về nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Thành công của Đại hội XIII không chỉ là việc thông qua Nghị quyết hay bầu Ban Chấp hành Trung ương mà quan trọng hơn là đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến nghị quyết thành hiện thực như thế nào.  “Làm sao phải ra của cải vật chất. Nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn. Thế mới thành công”; Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Nghị quyết “về nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân tỉnh Bình Thuận” là một trong những nghị quyết mới được bổ sung để cụ thể hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và của Tổng Bí thư.

2.jpeg

Tiến độ dự án kè sông Cà Ty được đội ngũ trí thức quan tâm (hình phối cảnh dự án).

Thông tin thêm với đội ngũ trí thức xung quanh kiến nghị cần chỉnh trang xây dựng TP. Phan Thiết đẹp hơn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu TP. Phan Thiết phải đi đầu trong chỉnh trang đô thị, xây dựng TP. Phan Thiết xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – khoa học kỹ thuật, là thành phố động lực phát triển của tỉnh. Theo Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh đã cho chủ trương triển khai dự án kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) và Chung cư sông Cà Ty với quyết tâm hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2025-2030), dự án cầu Văn Thánh sẽ khởi công xây dựng vào quý III năm nay. Như vậy, mong ước của người dân hai bên bờ sông Cà Ty cũng như khu vực Văn Thánh sẽ trở thành hiện thực trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy còn thông tin thêm với đội ngũ trí thức về phương án bảo vệ, phát triển Hệ sinh thái khu vực công viên Hùng Vương - Phan Thiết. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh sẽ chỉnh trang khu vực này trở thành điểm nhấn về du lịch, cảnh quan của TP. Phan Thiết trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ diện tích làm công viên cây xanh và thực hiện các công trình công cộng gắn với hệ sinh thái ngập nước, bảo tồn thiên nhiên, tạo nét đặc trưng thu hút khách du lịch.

Buổi đối thoại diễn ra trong không khí thẳng thắn, xây dựng, nhìn thẳng và nói thẳng sự thật. Qua đây, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn đội ngũ trí thức tỉnh tiếp tục quan tâm, tham gia đóng góp, hiến kế các giải pháp, biện pháp, nhất là những ý tưởng mới để góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng phát triển.

T.HÀ

Related articles
Bí thư Tỉnh ủy gặp mặt, đối thoại với đội ngũ trí thức tỉnh
BTO - Sáng nay 11/3, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi gặp mặt, đối thoại với hơn 100 đại biểu đại diện cho đội ngũ trí thức toàn tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp mặt và đối thoại với đội ngũ trí thức tỉnh: Giải đáp nhiều vấn đề nóng, bức xúc từ cơ sở