Dịp Tết Nguyên đán và trong mùa thời tiết xấu năm 2024: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại

26/12/2023, 05:30

Hàng năm, công tác dự trữ các mặt hàng thiết yếu và phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa luôn được địa phương quan tâm triển khai nhằm đảm bảo cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại cho người dân huyện đảo Phú Quý khi có thời tiết xấu xảy ra.

Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong mùa thời tiết xấu năm 2024 sắp tới, mới đây UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ người dân huyện đảo. Bởi vào mùa gió Đông Bắc (từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau), việc vận chuyển hàng hóa và hành khách từ đất liền ra Phú Quý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, thời tiết trên vùng biển này thường diễn biến phức tạp, khó lường và có thể gây cô lập huyện đảo trong dài ngày…

z4385475451385_6579878c92b23eed2f61b9a0fbcfdc77.jpg
Một góc huyện đảo Phú Quý.

Chính vì vậy, kế hoạch vừa được UBND tỉnh ban hành yêu cầu cần nâng cao năng lực của các đơn vị vận chuyển hành khách, hàng hóa cũng như doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và dự trữ hàng hóa thiết yếu. Qua đó góp phần bảo đảm phục vụ kịp thời việc đi lại, cung ứng hàng hóa cho người dân huyện Phú Quý với giá cả hợp lý, ổn định. Đồng thời hàng hóa dự trữ phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân khi xảy ra thời tiết xấu, dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn.

z4384406752596_28a130b9b4400f8ebaf74673ebd8995e.jpg
Thông qua kế hoạch dự trữ hàng hóa sẽ góp phần cung ứng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho địa bàn huyện đảo vào dịp Tết Nguyên đán và trong mùa thời tiết xấu. (Ảnh minh họa)

Hiện dân số trên địa bàn Phú Quý khoảng 30.000 người và số cơ sở kinh doanh bách hóa tổng hợp là 195 hộ, trong đó có hơn 50 hộ kinh doanh mặt hàng gạo. Hàng năm khi vào mùa gió Đông Bắc, hầu hết các cơ sở kinh doanh tại huyện đảo luôn chủ động tăng mức dự trữ hàng hóa so với thời điểm trước đó. Ngoài ra, do đặc thù thường gặp ảnh hưởng thời tiết xấu khiến tàu vận tải trên tuyến đường thủy Phú Quý - Phan Thiết bị gián đoạn, nên đa số hộ dân nơi đây cũng tự chủ động dự trữ một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình từ 10 - 15 ngày.

Như vậy trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của người dân (không tính lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn) và thực tế quy mô của các cơ sở, đại lý kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại huyện đảo thì số lượng hàng hóa tham gia phương án dự trữ chiếm khoảng 60 - 70% so nhu cầu thị trường. Cụ thể lượng hàng hóa thiết yếu cần dự trữ để đáp ứng trong 1 tháng gồm: 210 tấn gạo, 4 tấn đường, 2.100 lít dầu ăn, 2.200 thùng mì tôm, 40 tấn thịt heo, 105 tấn rau củ quả… Bên cạnh đó, UBND huyện Phú Quý cũng chủ động khuyến khích, vận động dự trữ trong dân sao cho đảm bảo chiếm 30 - 40% lượng hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu.

Triển khai kế hoạch này, Sở Công Thương được giao trách nhiệm theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt công tác tổ chức thị trường, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt từ đất liền ra Phú Quý. Mặt khác còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong đất liền mở rộng mạng lưới, kênh phân phối nhằm chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân huyện đảo bảo đảm giá cả hợp lý, chất lượng, an toàn thực phẩm. Kịp thời điều tiết lượng hàng hóa thiết yếu từ kế hoạch bảo đảm dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm của ngành Công Thương để hỗ trợ thị trường huyện đảo…

Đối với Sở Giao thông Vận tải thì chỉ đạo Ban Quản lý Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết và các chủ phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hải trong khu vực bến cảng. Phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa từ Phan Thiết đi Phú Quý trong trường hợp thời tiết xấu kéo dài, dẫn đến phương tiện tại địa phương không thể hoạt động… Riêng chính quyền huyện đảo cũng sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường và thông tin, phối hợp kịp thời với Sở Công Thương khi thị trường có biến động bất thường. Cùng với đó còn tăng cường kiểm tra kiểm soát việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến hoặc tung tin thất thiệt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nơi đây.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đối với mặt hàng xăng dầu được dự trữ tại các cơ sở kinh doanh trên đảo, các tàu dầu trên biển, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, trong khi thuốc và vật tư y tế thì dự trữ tại Bệnh viện Quân dân y và Trung tâm Y tế huyện…

Đ.QUỐC

Related articles
 Hàm Thuận Nam:
Chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người nghèo
Thời gian qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, tạo động lực, niềm tin và sức mạnh để người nghèo nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

(0) Comments
Focus
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:
Đề nghị xem xét bố trí ga Phan Rí tại huyện Bắc Bình là ga lưỡng dụng
BTO-Sáng nay 13/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận các nội dung: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịp Tết Nguyên đán và trong mùa thời tiết xấu năm 2024: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại