Chưa có dấu hiệu “chững lại”
Nếu như từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận 2.392 ca mắc SXH, thì so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc này tăng cao hơn 100% (1.077 ca). Trong tổng số ca mắc trên thì số ca có diễn tiến chuyển nặng là 73 ca và 1 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh này tăng nhanh vào tháng 6 và 7, sự tăng nhanh này không nằm ngoài mẫu số chung so với nhiều tỉnh, thành khác. Bộ Y tế dự báo số ca bệnh sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đơn cử Tánh Linh có 749 ca thì có 7 ca sốc nặng đang điều trị tại Trung tâm Y tế Tánh Linh, Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận và Bệnh viện Chợ Rẫy. Số ca bệnh của huyện cao nhất của tỉnh; trong các tuần từ 26 - 28 (rơi vào tháng 6 - 7), liên tiếp tăng nhanh. Trong đó, xã Huy Khiêm có 347 ca bệnh, chiếm tỷ lệ 46% tổng số ca mắc của toàn huyện, trở thành “điểm nóng” tại huyện này. Mặc dù, Trung tâm Y tế huyện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng số ca bệnh vẫn còn ở mức 115 ca/tuần (11 - 17/7).
Tại Hàm Tân, toàn huyện ghi nhận 91 ca bệnh SXH thì xã Tân Thắng có 34 ca, chiếm tỷ lệ 37% số ca mắc của toàn huyện, tăng 5,7 lần so cùng kỳ 2021 (6 ca). Riêng ngày 13/6/2022, xã này có 1 ca tử vong - nam bệnh nhân 23 tuổi ở thôn Phò Trì. Bên cạnh đó, gia đình có ca tử vong này cũng ghi nhận thêm 1 ca SXH nặng - em ruột của ca tử vong. Hiện tại, ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đâu là nguyên nhân?
Trước tình hình số ca bệnh tăng nhanh, thậm chí có ca tử vong vì SXH, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang vào xã Tân Thắng (Hàm Tân), xã Huy Khiêm (Tánh Linh) để giám sát về hoạt động phòng, chống SXH. Tại Tân Thắng, kết quả đoàn điều tra ngẫu nhiên tại các hộ gia đình thôn Phò Trì có chỉ số lăng quăng còn cao (DI: 0.7, HI: 35.5, HIL: 23.5, CI: 24, BI: 35,5); chủ yếu trong các dụng cụ như xô, lu, phế thải, lốp xe. Ở ổ dịch mới, rất nhiều gia đình có nhiều dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tại xã Huy Khiêm, đoàn công tác ghi nhận các hoạt động đáp ứng, giám sát và xử lý ổ dịch SXH của xã. Kết quả điều tra tại các gia đình có chỉ số lăng quăng còn cao (DI: 1.4, BI:310) trong dụng cụ như lốp xe, vật phế thải gáo dừa, cốc nhựa, xô, lu. Thời tiết mưa nhiều, mưa sớm tạo điều kiện cho bọ gậy/lăng quăng và muỗi phát triển. Thiếu hóa chất để phun diệt muỗi, thiếu máy phun, đang hỏng.
Theo đánh giá của đoàn công tác, hiện nay, mùa dịch SXH đang là cao điểm, 1 năm có tính chất chu kỳ của dịch bệnh. Số ca mắc tăng cao liên tục tại nhiều tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, trong đó có Bình Thuận. Người dân còn chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống bệnh SXH. Mặc dù sự tham gia của chính quyền các cấp đã quan tâm, nhưng chưa quyết liệt. Thành viên của Ban chỉ đạo chưa sâu sát, chưa tham gia quyết liệt trong các hoạt động phòng, chống SXH, ngành y tế vẫn là nòng cốt và thực hiện chính. Tuy nhiên, nhân lực của cán bộ y tế quá mỏng, thực hiện giám sát phòng, chống còn gặp nhiều khó khăn.
Thông qua khảo sát, đoàn góp ý và đề xuất các giải pháp khắc phục các khó khăn, tồn tại trong hoạt động phòng, chống SXH. Đó là cần sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể trong phòng chống dịch SXH, tiếp tục tăng cường ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trước khi phun hóa chất. Tập trung vào tuyên truyền, xử lý diệt lăng quăng/bọ gậy, phun chủ động trong phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ cấp 2 máy phun đeo vai và hóa chất để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại thôn Phò Trì (Tân Thắng - Hàm Tân)…
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh đến các sở, ban, ngành liên quan. Trong đó, UBND các huyện, thị, thành phố huy động ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, giám sát các dụng cụ chứa nước nơi muỗi sinh sản để tiến hành tiêu diệt lăng quăng.