Dạy tiếng Chăm để bảo tồn văn hóa. Bài 1

19/09/2023, 14:28

Bài 1: Cô giáo trẻ “nặng” lòng với nguồn cội

Trong hành trình 25 năm đưa tiếng Chăm vào trường học, dìu dắt học trò chữ viết Chăm, nhiều thế hệ giáo viên vẫn đau đáu một khát khao được lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo ấy. Những giáo viên trẻ thế hệ mới, đã dấn thân “nhận” lấy trọng trách, mong mỏi được gìn giữ, bảo tồn con chữ “ngoằn ngoèo” mà sức sống, hơi thở lại hiện hữu nét tinh tế của văn hóa Chăm...

Truyền lửa

Trường TH Lâm Giang (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc) năm học 2023 – 2024 có 261 học sinh với 10 lớp học. Đây cũng là ngôi trường có vị trí đặc biệt khi nằm tại địa phương thuần đồng bào Chăm sinh sống.

dsc05949.jpg

Ở đó, chúng tôi được gặp cô giáo Thông Thị Thanh Giang (sinh năm 1981). Cô giáo trẻ với một ước mơ luôn ấp ủ và tìm cho mình hướng đi riêng trong suốt quá trình chọn đứng trên bục giảng. “Mình ra trường năm 2000, đến 2002 mình bắt đầu dạy tiếng Chăm. Thời điểm đó, mình vừa học vừa dạy. Nghĩa là lúc đó, mình vẫn phải học từ những người thầy đi trước. Và thời điểm mình được đào tạo bài bản nhất là 2014 – 2015 theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giáo viên dạy tiếng dân tộc tại Ninh Thuận. Từ lớp học đó mình có thêm sự vững vàng để dạy tốt hơn” – cô Thanh Giang mở đầu câu chuyện về hành trình gắn bó với việc dạy tiếng Chăm.

Từ ngày ra trường đến nay đã hơn 20 năm, thanh xuân của giáo viên trẻ lại là nữ, vừa dạy tiếng Chăm vừa dạy tiếng Việt không hề đơn giản nhưng ở cô gái nhẹ nhàng trong giọng nói phải vượt qua những khó khăn bằng một tình yêu nghề. “Đối với các em học sinh người Chăm bắt buộc phải học tiếng Chăm, còn các em học sinh người Kinh thích sẽ được học, nếu không thích thì thôi. Cái khó là ngôn ngữ nói thường dùng ở địa phương đã quen và khác với ngôn ngữ đưa vào sách giáo khoa. Chính vì vậy, mình phải nghiên cứu, học hỏi từ những tiền bối là giáo viên đi trước, chủ yếu là học kinh nghiệm từ những người thầy của mình".

dsc05948.jpg

Hiện nay, giáo trình dạy tiếng Chăm từ biên soạn của người thầy nhưng đã quá nhiều năm. Chính vì vậy lứa giáo viên như cô Giang hiện tại phải luôn mày mò nghiên cứu khi vận dụng nền tảng cơ bản đối với những chương trình mới, dùng kết hợp song ngữ (tiếng Kinh và Chăm) để hỗ trợ trong việc giảng dạy. “Nếu dạy tiếng phổ thông ngoài giáo viên có sự kết hợp giữa cô giáo và cha mẹ học sinh nhưng ở tiếng Chăm thì giáo viên tự dạy, một tuần 4 tiết, học xong về nhà thì không có sự hỗ trợ của cha mẹ, đó là khó khăn hiện nay”, cô  Giang bộc bạch.

dsc05928.jpg

Là người Chăm bản địa, cô Thanh Giang còn có tình yêu lớn với tiếng dân tộc mình. Như bao giáo viên khác trong cộng đồng người Chăm, cô giáo ấy luôn khát khao để tiếng Chăm được phát triển. “Nhưng muốn vậy, giáo viên người Chăm phải được đào tạo, trường mình may mắn khi được Ban giám hiệu tạo cơ hội cho mình và đồng nghiệp kế thừa, nhưng cũng chỉ là cơ bản nên không thể dạy lớp cao được. Vậy nên, mình luôn mong muốn tiếng Chăm được bảo tồn vì văn hóa còn là dân tộc còn, mà chữ viết là một phần nét văn hóa truyền thống của dân tộc” – cô Giang mong muốn.

Viết tiếp ước mơ của ba

dsc05941.jpg
Cô giáo Thông Thị Thanh Giang trong một giờ lên lớp tiếng Chăm

Chính vì yêu tiếng Chăm, cô giáo Thông Thị Thanh Giang đã yêu luôn văn hóa dân tộc mình, luôn cố gắng và nỗ lực trong suốt quá trình giảng dạy. Nhưng khó ai biết được, người âm thầm “truyền lửa” cho cô Giang chính là ba ruột mình. Năm 2002, cô Giang còn nhớ mãi lớp học do huyện tổ chức dành cho cán bộ, công nhân viên, ai muốn học tiếng Chăm đều được tham gia. Ba cô Giang lúc đó là hiệu trưởng của điểm trường Lâm Thiện. Giờ ông đã không còn nhưng có lẽ lớp học ấy, đã nhen nhóm cho cô con gái ông ngày nào sự trưởng thành, vun vén với hoài bão của cha là tiếp tục truyền ngọn lửa ấy cho cộng đồng dân tộc mình. “Lớp học duy nhất ấy nhiều năm sau này vẫn chưa được mở lại. Mình cũng mong được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để có thể giúp giáo viên có thêm những kiến thức trong việc giảng dạy tiếng Chăm sau này”.

dsc05929.jpg
Học sinh hứng thú tương tác với giáo viên trong giờ học tiếng Chăm

20 năm gắn bó, là đảng viên trẻ, cô giáo Thanh Giang vẫn miệt mài trong hành trình của mình. Năm 2022, cô giáo Thanh Giang sau thời gian trăn trở với nghề đã viết sáng kiến kinh nghiệm "Một số giải pháp bảo tồn và giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc Chăm trong Trường tiểu học Lâm Giang" như là cách để góp phần phát huy gìn giữ tiếng Chăm cho sau này.

dsc05937.jpg
Với sự nhẹ nhàng, cô giáo Thông Thị Thanh Giang nhận được sự yêu quý của học trò

Cô Thanh Giang chia sẻ: “Văn hóa Chăm cuốn hút du khách gần xa một phần nào đó cũng bởi những nét độc đáo và mang đặc trưng riêng, nên trong sáng kiến kinh nghiệm của em muốn cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.  Giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa qua sinh hoạt đời sống thường ngày của các em. Kết hợp với gia đình trong việc giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bài giảng thuộc chương trình giáo dục văn hóa địa phương. Từ nhận thức và thái độ đúng, các em học sinh sẽ có hành động đúng, tự giác vui vẻ thực hiện việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mà không nhất thiết phải ép buộc các em".

Cô Nguyễn Thị Thu Vân nhận xét: “Tại trường có 4 giáo viên dạy tiếng Chăm, trong đó có cô Giang. Cô Giang là giáo viên kỳ cựu từ những năm trường thành lập tới bây giờ. Đến giờ này, phải nói là cô Giang đã có nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy, góp phần vào thành tích chung của nhà trường. Là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, được UBND tỉnh khen thưởng. Về dạy tiếng Chăm của trường đạt nhiều kết quả tốt, trong đó sự đóng góp của cô Giang và tập thể giáo viên dạy tiếng Chăm là rất lớn”.

dsc05947.jpg

Nhằm cung cấp cho các em nghe về nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm, cô Thanh Giang không chỉ dạy chữ viết, mà thông qua những buổi dạy giới thiệu những nét văn hóa của dân tộc Chăm từ trang phục đến nhạc cụ truyền thống độc đáo như bộ gõ, trống Ghinăng, trống Baranưng, Chiêng (Cheng), kèn Saranai  và đàn Kanhi, nghệ thuật múa dân gian Chăm ở Bình Thuận, nghề dệt truyền thống của người Chăm. “Qua những tiết học, tôi muốn giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi đã theo học xong chương trình tiếng dân tộc Chăm dành cho giáo viên tiểu học nhằm đưa tiếng nói và chữ viết đến gần với các em hơn nữa” – cô Giang tâm sự.

dsc05921.jpg
Cô giáo Thanh Giang viết tiếp ước mơ của người thầy - người cha của mình trong việc dạy tiếng Chăm

Sau 1 năm nghiên cứu và thực hiện sáng kiến ấy đã mang về những thành quả đáng ghi nhận, cô Giang vui vẻ cho biết: Học sinh có hứng thú trước những kiến thức mà bấy lâu gắn liền với cuộc sống thường ngày, mà các em không để ý đến. Quá trình học, học sinh rất tích cực, chủ động và tham gia đầy đủ các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, tham quan, ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tự giác trong việc mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 đầu tuần và các ngày lễ, thực hiện tốt nội quy của lớp, của trường, xây dựng nếp sống văn hóa trong trường học tập và sinh hoạt ở môi trường gia đình, làng, xóm. Đó là niềm vui lớn của riêng tôi” – cô  Thanh Giang chia sẻ thêm.

Cô giáo trẻ với giọng nói nhẹ nhàng, cùng bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, đứng lớp như minh chứng cho những điều mình đang thực hiện, giữ lại điều quý giá của văn hóa, giữ lại từng con chữ “ngoằn ngoèo”, nhưng ấp ủ những điều tươi sáng ở phía trước.

Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa… Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Thành tích cá nhân của cô Thông Thị Thanh Giang:

Bằng khen của UBND tỉnh năm học 2021 – 2022

UBND huyện khen năm học 2019 – 2020; năm học 2022 – 2023

Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cơ sở



QUANG NHÂN - THÙY LINH

Related articles
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Người Chăm xây dựng quê hương. Bài 2
Bài 2: Giữ nét văn hóa – xây dựng quê hương

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy tiếng Chăm để bảo tồn văn hóa. Bài 1