Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

04/11/2024, 05:38

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác này ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “Chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”...

Khoảng trên 80% LĐNT có việc làm

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; các chỉ tiêu, nhiệm vụ được tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Nhờ đó, từng bước tác động nhận thức cho người lao động hiểu rõ về lợi ích thiết thực, lâu dài của công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề được quan tâm đầu tư nhiều hơn; việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi với học viên ngày một tốt hơn. Từ đó, giúp LĐNT, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và lao động nghèo ở vùng đô thị sau khi học nghề đã tìm được việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

z4346776058046_7d6b76e33ce55fcf9e3831a7b161fd0e.jpeg
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich - KCN Hàm Kiệm II.

Để đạt được kết quả trên, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề LĐNT được chú trọng. Hoạt động đào tạo nghề của tỉnh ngày càng được củng cố, tăng cường, dần đi vào ổn định, nâng dần cả về chất và lượng; số lượng người tham gia học nghề tăng. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề được nâng lên, ý thức tự giác trang bị nghề, tìm việc làm ổn định ở người lao động khu vực nông thôn nâng cao.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ; các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, tỷ lệ lao động có việc làm cao. Song song, công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương hàng năm được quan tâm chỉ đạo thực hiện; kịp thời nắm bắt thông tin về thị trường lao động, làm cơ sở tổ chức các lớp đào tạo nghề sát hợp với thực tế của từng địa phương. Qua đó, góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động của tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động; bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Từ kết quả về công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện về dạy nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 24.062/22.440 người với 896 lớp, đạt 107% kế hoạch. Giai đoạn 2016 - 2022, đã đào tạo nghề cho 15.981/16.595 người với 543 lớp, đạt 96% kế hoạch (năm 2021: không thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp vì các cơ sở dạy nghề được trưng dụng làm nơi chữa bệnh Covid-19). Nhìn chung, từ năm 2011 đến nay, các nghề có tỷ lệ học viên tham gia học cao như: trồng và chăm sóc cây thanh long; trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap; chăm sóc, cạo mủ cao su; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau an toàn; bảo vệ thực vật… Sau khi được học nghề, thì số lao động nông thôn có việc làm đạt khoảng 80%.

4 bài học kinh nghiệm

Quá trình thực hiện Chỉ thị 19, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra đó là phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Thêm nữa, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đặc biệt là quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ học phí và các chính sách hỗ trợ khác để người lao động có điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Qua đó, để người lao động nắm bắt được và chủ động tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Song song, thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng gắn với thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chủ trương đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của từng doanh nghiệp; với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Không đào tạo nghề đối với những nghề không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần tổ chức tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương; gắn kết công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người lao động trong việc học nghề và tạo việc làm.

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 30.000 người góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ 70% -75% và đến năm 2030 đạt từ 75% - 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30% - 32% và đến năm 2030 đạt 32% - 37%. Đảm bảo lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm từ 80% trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức khảo sát, đào tạo nghề đúng nhu cầu và đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, chú ý đối với LĐNT, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bãi ngang ven biển, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Song song, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn kết giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động sau khi tốt nghiệp khóa học nghề; làm tốt công tác khuyến nông – lâm - ngư nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động. Chú trọng giải quyết việc làm cho nông dân, thu hút lao động làm việc tại chỗ, tạo thêm nhiều việc làm mới ổn định gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động.

Đồng thời, tăng cường cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn thu hồi đối với những dự án tạo nhiều chỗ làm việc, thu nhập ổn định phù hợp với lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phát triển nhanh và bền vững. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho người nghèo...

KIM ANH

Related articles
Phiên giao dịch việc làm tại huyện Đức Linh
BTO - Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với UBND huyện Đức Linh vừa tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2024 với chủ đề: "Tư vấn, giới thiệu việc làm bền vững". Đến dự có ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn