Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Hơn 50% hội viên nông dân sản xuất giỏi

19/01/2018, 11:31

BT- “Đa Mi đang có 280 hội viên Hội Nông dân được công nhận là sản xuất giỏi, chiếm hơn 50% trong số tổng số 520 hội viên toàn xã.Trong đó, giỏi cấp xã là 260 hội viên; cấp huyện là 18; còn lại là cấp tỉnh. Riêng cấp tỉnh phải thu nhập trên 400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ mọi chi phí”.

                
Thu hoạch cà phê ở Đa Mi.

Trò chuyện vì sao Đa Mi có nhiều hội viên sản xuất giỏi, ông Ngô Xuân Vân - Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: Có thể nói những nông dân ở Đa Mi đều là những người ham đất đai ruộng vườn, mong muốn vượt lên, làm giàu chính đáng. Gần như 100% trong số họ đến Đa Mi vào thời điểm thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi vừa xây xong, cũng như xã mới bắt đầu thành lập. Từ nhiều năm qua, trước bao khó khăn của vùng đất mới, cấp ủy, chính quyền xã Đa Mi ra sức động viên người dân phát huy kinh nghiệm sản xuất mang theo từ quê hương cũ trước đây; nghiên cứu, tìm kiếm những cây hợp với khí hậu, đất đai của vùng Đa Mi để trồng.  Mặt khác, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn các kỹ thuật thâm canh cây trồng cho nông dân. Điển hình, năm 2016, mở 5 lớp tập huấn chuyên canh cây cà phê, 4 buổi hội thảo phân bón, kết hợp tham quan thực tế tại Lâm Đồng…

Ngoài ra, Đa Mi còn giới thiệu với nông dân các mô hình kinh tế, chú ý đến kinh tế trang trại, kinh tế vườn. Với kinh tế vườn, chú ý thay thế giống cũ bằng giống mới, đặc biệt là cà phê, các giống cây ăn quả… Đa Mi đề nghị ngân hàng tạo mọi điều kiện hết sức thuận lợi cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được coi là “bà đỡ” cho nông dân Đa Mi, với hàng trăm triệu trồng được nông dân vay đầu tư vào sản xuất. Tiếp đến, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới ít nhiều kích thích  nông dân Đa Mi vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương mới ngày một phát triển. Điển hình của tinh thần thi đua này là đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất như cà phê xanh lùn, bơ, sầu riêng Thái. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô ngày càng rộng, như ở thôn La Dày là cà phê - sầu riêng; ở thôn Đa Tro là cà phê - quýt- cam- bơ các loại. Chất lượng sản phẩm của Đa Mi ngày càng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Để rõ hơn về những gì đã trao đổi, ông Ngô Xuân Vân giới thiệu chúng tôi với anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn La Dày, một trong hai nông dân giỏi cấp tỉnh của xã, thu nhập sau khi trừ chi phí là trên 400 triệu đồng/năm. Anh Dũng cho biết: Ngay từ khi đến Đa Mi, anh đã quyết tâm lập nghiệp. Trong các năm qua,  do thường xuyên tham gia các đợt tập huấn kỹ thuật thâm canh cây trồng, đi tham quan thực tế nhiều nơi, nên anh sớm cải tạo  các ha cà phê giống cũ bằng phương pháp ghép vô tính giống mới. Kết quả cà phê của anh luôn đạt năng suất cao trên 3,5 tấn, và luôn bán được giá nên thu nhập khá. Người thứ hai, chúng tôi có dịp tiếp xúc là anh Phạm Ngọc Bang, nông dân  giỏi cấp huyện, thu nhập sau khi trừ mọi chi phí là trên 250 triệu đồng/năm. Anh Bang có 5 ha cà phê giống mới trồng xen với  sầu riêng  và một số loại cây ăn trái khác, nên gần như mùa nào trong năm cũng có sản phẩm bán ra. Anh Bang bảo: “Ở Đa Mi, đất đai, khí hậu đều tốt, chỉ gắng công gắng sức  trong một số năm thì sẽ giàu”.

Hà Thanh Tú


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Hơn 50% hội viên nông dân sản xuất giỏi