Gặp cô Thông Thị Thanh Giang vào giờ nghỉ giải lao sáng thứ hai đầu tuần tại Trường tiểu học Lâm Giang. Cảm giác của chúng tôi như được hòa vào một hoạt động lễ hội được thu nhỏ tại trường. Bởi ở dưới sân, hầu hết học sinh đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc Chăm và đang chia thành từng nhóm chơi trò chơi dân gian. Cô Giang thành thật chia sẻ: “Khi được giao viết bài hưởng ứng cuộc thi “Công chức, viên chức, lao động tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội”, tôi còn phân vân trong lựa chọn đề tài. Nhưng khi nhìn những hoạt động thực tiễn của học sinh và nhà trường đang tổ chức, tôi lao ngay vào viết về nội dung “Tìm hiểu nghiên cứu tín ngưỡng văn hóa xã hội tại thôn Lâm Giang”, nơi mình đang sinh sống và công tác”.
Nội dung bài dự thi gồm 6 phần, gồm đặc điểm chung của tín ngưỡng tôn giáo Chăm, những điểm nổi bật về tôn giáo tín ngưỡng chăm của thôn Lâm Giang, tìm hiểu về nghề dệt truyền thống, trang phục dân tộc, phong tục tập quán, nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Chăm, nghệ thuật múa dân gian, bánh củ gừng.
Là người con của làng Chăm Lâm Giang, lại nhận được sự hỗ trợ từ Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường, cùng “2 giám khảo” là chồng chị và thầy Lộ Minh Trại (1 trong những tác giả viết sách tiếng Chăm cho học sinh tiểu học sống tại Ninh Thuận), vì thế chỉ trong hơn 1 tháng cô Thông Thị Thanh Giang đã hoàn thành bài dự thi.
Theo chị: Hiện nay nước ta đang trong quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, xã hội, văn hóa, lối sống… Hội nhập tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức. Trong đó nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc là cấp bách nhất trước các dòng văn hóa ngoại lai. Chính vì vậy làm thế nào để giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước với phương châm “hòa nhập mà không hòa tan” là một vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu để có những định hướng đúng đắn trên con đường phát triển chung của đất nước. Đây cũng là lý do chị rất tâm đắc về cuộc thi này và không quản ngại thời gian khuya sớm, cuối tuần chỉnh sửa bài viết, chọn lọc hình ảnh. Thậm chí tới tận nhà các nghệ nhân và ngồi hàng giờ liền để nghe họ kể về những buồn vui, trăn trở bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường tiểu học Lâm Giang nhận xét: Tôn giáo, tín ngưỡng Chăm cuốn hút du khách gần xa một phần nào đó cũng bởi những nét độc đáo và mang đặc trưng riêng của những bộ trang phục hay sắc màu của lễ hội. Bởi bản thân mỗi bộ trang phục, điệu múa, món ăn ấy còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý trong đời sống tâm linh của người Chăm. Chính những người như chị Thông Thị Thanh Giang đang góp một phần lưu giữ, xây dựng nền văn hóa mang đậm nét bản sắc dân tộc và khôi phục, bảo tồn tín ngưỡng tôn giáo văn minh.