Từ mô hình ở các xã vùng cao
Những ngày qua lo cắt hái mùa màng nên chị Tâm ở xã Mỹ Thạnh như bỏ quên 5 con bò trong rừng. Một phần vì đang vào mùa mưa nên cây cỏ, lá rừng cũng có nhiều, bò sẽ tự tìm kiếm ăn, chứ vào mùa khô, rừng chỉ còn trơ cành nhánh nên phải mang thêm rơm, cành thanh long vào cho bò ăn. Phần khác, vì dù có thả rông bò trong rừng, vốn là rừng của mỗi gia đình đã nhận khoán nên cũng không bị mất. Bao nhiêu năm nay, từ khi chương trình 135, Nghị quyết 04 triển khai cho đến gần đây, qua chương trình của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, người dân ở xã được hỗ trợ bò cái sinh sản để nuôi đến giờ, nét đẹp của sự an ninh trật tự này ở xã vẫn vậy. Thế nên, không chỉ chị Tâm và những người khác trong xã đều thả đàn trâu bò trong rừng. Có nhà sáng thả vào rừng rồi chiều còn vào kiếm về, quan tâm trong chăm sóc. Có nhà thả rong hết ngày này qua ngày khác, lúc rảnh mới vào kiểm tra. Chúng muốn ăn gì trong rừng thì ăn rồi tự lớn lên.Vì vùng đất thiếu nước nên vào mùa khô, sông suối hết nước, chúng cũng thiếu nước uống và để thích nghi trong rừng, chúng uống sương sớm.
Dù vậy, theo lãnh đạo xã Mỹ Thạnh, bò chỉ ốm chứ ít chết. Vài lần có bị chết là do người dân cột bò ven suối nên nước về bất thình lình, chạy không kịp. Còn lại, bò ít chết, nhờ vậy nhiều nhà gầy được đàn, lúc khó khăn thì bán bớt nên mô hình giảm nghèo bằng cách nuôi bò sinh sản ở xã Mỹ Thạnh là hiệu quả. Không chỉ thế, điều kiện tự nhiên ở xã, ngoài chuyện thiếu nước thì rất phù hợp cho chăn nuôi. Vì nhờ có diện tích rừng rộng, đường sá thì chưa thông như những vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác nên không bị trộm cắp trâu bò như thường thấy. Đến thời điểm này, Mỹ Thạnh có tổng đàn gia súc 1.337 con, trong đó trâu 640 con, bò 295 con, dê 202 con và heo 200 con.
Tương tự như Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần cũng là nơi người dân được hỗ trợ nuôi bò sinh sản rất lâu. Và hầu hết nhà nào cũng gầy được đàn, dù vẫn có bán bớt khi gặp khó khăn. Những người dân ở đây đánh giá mô hình này phù hợp điều kiện người nghèo nên kết quả mang về đúng nghĩa là giúp người dân giảm nghèo và cả phù hợp với vùng đất. Bởi Hàm Cần là nơi triển khai Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò từ năm 2022 -2024, với quy mô liên kết sản xuất và đã tiêu thụ sản phẩm được 493 con/132 tấn sản phẩm chăn nuôi bò và 24 ha trồng cỏ nuôi bò/4.800 tấn, với tổng kinh phí thực hiện là 4.900,440 triệu đồng, trong đó: Ngân sách hỗ trợ 3.208,197 triệu đồng, vốn đối ứng 1.692,244 triệu đồng
Đến triển khai mô hình ở đồng bằng
Đến năm nay, mô hình nuôi bò sinh sản nói chung được mở rộng ra các xã ở đồng bằng trong huyện. Hoạt động này nằm trong dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo Phòng Lao động, Thương binh và xã hội, do vướng mắc thủ tục nên khoản vốn cho mô hình nuôi bò sinh sản của 2 năm 2022, 2023 được chuyển sang năm 2024, nâng tổng số tiền lên hơn 6,8 tỷ đồng. Vì vậy, năm 2024 triển khai mô hình đến tất cả các xã, ngoại trừ Mỹ Thạnh, vì ở xã này đã có mô hình tương tự từ chương trình đầu tư khác. Tùy từng xã, sẽ có 20 -22 hộ nghèo được tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản của dự án 2.
Vì vậy, trong thời gian này, các xã ở đồng bằng đang rất quan tâm đến dự án 2, với hy vọng mô hình chăn nuôi bò sinh sản sẽ góp phần giúp một số người dân ở xã thoát nghèo. Như xã Tân Thuận đã có tờ trình về việc đề nghị thẩm định, phê duyệt Dự án “Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận” thuộc Dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Theo đó, UBND xã đề xuất 20 hộ nghèo, cận nghèo tại thôn Hiệp Tân và thôn Hiệp Nghĩa được tham gia dự án, mỗi hộ 1 con. Với tổng kinh phí hỗ trợ dự án là 846,5 triệu đồng, trong đó đầu tư mua bò cái sinh sản chủ yếu là bò tơ (giống Bò lai Brahman hoặc Bò lai Sind), độ tuổi từ 18 – 22 tháng, trọng lượng khoảng 211 – 215; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi…
Ngoài ra, xã cũng có Quyết định thành lập Tổ cộng đồng chăn nuôi bò xã Tân Thuận thực hiện Dự án 2. Trong đó có nêu những nhiệm vụ cụ thể của tổ như có trách nhiệm triển khai dự án đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả; theo dõi, kiểm tra đôn đốc quá trình triển khai thực hiện dự án, báo cáo tiến độ thực hiện cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND xã Tân Thuận; tổ chức mua và giao con giống cho từng hộ dân tham gia dự án, đồng thời có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng từ liên quan trong việc thực hiện dự án cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để thanh quyết toán và lưu giữ chứng từ theo quy định. Trường hợp vật nuôi được hỗ trợ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hay nguyên nhân bất khả kháng khác, Tổ trưởng tổ cộng đồng phải báo cáo ngay cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, UBND xã Tân Thuận và cán bộ Thú y xã để xử lý kịp thời, theo quy định...
Nói chung là các xã trong huyện hưởng ứng dự án 2 rất quyết liệt. Vì như 1 lãnh đạo xã nói nuôi bò sinh sản gầy thành đàn như là bỏ hũ bít, giúp người nghèo những lúc khó khăn nhất, có được khoản tiền lớn.