Chiến sự Nga - Ukraine đe dọa nguồn cung lương thực cho nhiều nước trên thế giới

10/03/2022, 08:47

Cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đồng thời đe dọa nguồn cung lương thực và sinh kế của nhiều người ở châu Âu, châu Phi, và châu Á – những người phụ thuộc vào các dải đất rộng lớn và màu mỡ của khu vực Biển Đen – nơi được coi là vựa lương thực hay “rổ bánh mì” của thế giới.

Giao tranh khiến sản xuất nông nghiệp ở vựa lúa châu Âu ngưng trệ

Các nông dân Ukraine đã buộc phải bỏ đồng ruộng của mình trong bối cảnh hàng triệu người đi sơ tán, tham gia chiến đấu, hoặc cố gắng duy trì sự tồn tại trong tình trạng bất ổn do chiến tranh. Người ta đã đóng cửa nhiều hải cảng dùng để xuất lúa mì và các nông sản đi khắp thế giới phục vụ làm bánh mì, mì sợi, và thức ăn cho gia súc. Ngoài Ukraine, bản thân Nga – một cường quốc nông nghiệp, cũng có thể bị gián đoạn xuất khẩu nông sản do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Mặc dù chưa có những đứt gãy trong hệ thống cung ứng lúa mì toàn cầu, giá cả mặt hàng này đã tăng 55% từ trước xung đột giữa 2 nước Nga và Ukraine. Người ta quan ngại về những diễn biến sắp tới. Nếu chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, các nước phụ thuộc xuất khẩu lúa mì với mức giá phù hợp từ Ukraine có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung bắt đầu từ tháng 7/2022, theo Giám đốc Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế Arnaud Petit.

Thực trạng trên có thể tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực và đẩy thêm nhiều người vào tình trạng đói nghèo ở những nước như Ai Cập và Lebanon, nơi chế độ ăn của người dân chủ yếu gồm bánh mì do chính phủ trợ cấp. Còn tại châu Âu, các quan chức cũng chuẩn bị cho khả năng thiếu hụt các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Ukraine và giá thức ăn cho gia súc tăng cao – khi đó giá thịt và sữa cũng sẽ bị đẩy lên cao nếu người nông dân chuyển chi phí sang phía khách hàng.

Nga và Ukraine cộng lại chiếm tới gần 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn thế giới. Ukraine cũng là nhà cung cấp chính mặt hàng ngô và là cường quốc số 1 thế giới về dầu hướng dương, sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Chiến tranh Nga-Ukraine có khả năng giảm lượng cung lương thực trong bối cảnh giá cả mặt hàng này ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Thiếu hụt lương thực và giá cả tăng cao, người nghèo gặp khó

Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Hàng triệu người phụ thuộc vào bánh mì trợ cấp làm từ ngũ cốc Ukraine để duy trì sự tồn tại của mình. Nơi đây, khoảng 1/3 dân số sống trong nghèo đói.

Ahmed Salah – một nam giới 47 tuổi, cha của 7 đứa con, sống ở Cairo (Ai Cập) chia sẻ: “Chiến tranh nghĩa là thiếu thốn, và thiếu thốn có nghĩa là giá lên cao… Bất cứ sự tăng giá nào cũng là thảm họa không chỉ đối với tôi mà còn với đa số người dân”.

Anna Nagurney – một giáo sư về chuỗi cung ứng, hậu cần, và kinh tế học tại Đại học Massachusetts Amherst, nói: “Lúa mì, ngô, dầu, lúa mạch, bột mì là cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt là những nơi nghèo đói của hành tinh”.

Bà Nagurney băn khoăn, khi nam giới Ukraine bị động viên vào quân đội, “ai sẽ lo việc thu hoạch vụ mùa, ai sẽ vận chuyển lương thực?”.

Cơ quan thu mua lúa mì của nhà nước Ai Cập – bình thường mua rất nhiều của Nga và Ukraine, thì nay đã phải hủy 2 đơn đặt hàng chỉ trong chưa tới một tuần – một là vì giá tăng cao quá, hai là vì thiếu các công ty đề xuất bán nguồn cung của họ. Chi phí lúa mì tăng mạnh trên toàn cầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của Ai Cập trong bình ổn giá lúa mì ở mức trợ cấp hiện hành.

Đất nước Syria, chìm trong chiến tranh trong các năm qua, gần đây cũng công bố họ sẽ cắt giảm chi tiêu và các món chính trong khẩu phần. Tại quốc gia Lebanon gần đó, giới chức đang tức tốc tìm cách bù đắp tình trạng thiếu hụt lương thực sắp xảy đến. Ukraine cung cấp tới 60% lương thực cho Lebanon. Quốc gia Trung Đông này đang đàm phán với Mỹ, Ấn Độ, và Canada để tìm kiếm các nguồn cung cấp khác.

Wandile Sihlobo – nhà kinh tế trưởng của Phòng thương mại nông nghiệp Nam Phi, cho biết, các nước châu Phi nhập lượng nông sản trị giá tới 4 tỷ USD từ Nga vào năm 2020, và khoảng 90% trong số đó là lúa mì.

Từ châu Phi cho đến châu Á và châu Âu

Tại Nigeria, các chủ nhà máy bột mì tin rằng tình trạng thiếu hụt lúa mì nhập từ Nga sẽ ảnh hưởng giá các sản phẩm như bánh mì – một mặt hàng lương thực phổ biến ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Nigeria đã chật vật tìm cách giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc Nga. Nông dân Nigeria đang cố gắng trồng thêm các vụ mùa lúa mì để đáp ứng 70% nhu cầu nước này trong 5 năm, theo Gambo Sale – Thư ký quốc gia của Hiệp hội Nông dân Lúa mì Nigeria.

Ông Sale cho biết thêm: “Chúng tôi có đất, có người, có tiền, có bất cứ thứ gì chúng tôi có thể cần ở Nigeria” để trồng lúa mì. “Vấn đề bây giờ là thời gian”.

Gián đoạn cung ứng lương thực có thể lan tới cả Indonesia, nơi lúa mì được sử dụng để làm mì ăn liền, bánh mì, các món chiên, và các món ăn nhanh.

Ukraine là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ 2 của Indonesia, cung cấp tới 26% lượng lúa mì tiêu thụ tại nước này. Kasan Muhri – Vụ trưởng vụ nghiên cứu của Bộ Thương mại Indonesia, cho hay, giá cả mì sợi tăng cao có thể gây tổn thương cho những người thu nhập thấp.

Ukraine và Nga kết hợp lại sản xuất tới 75% xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu, chiếm 10% tổng dầu nấu ăn thế giới, theo IHS Markit.

Raad Hebsi – một chủ đầu mối bán lẻ ở Baghdad (Iraq), cho biết ông và những người đồng hương Iraq đang chuẩn bị tâm thế cho việc chi trả nhiều hơn cho dầu ăn.

“Chúng tôi có khả năng sẽ phải mua hàng thay thế từ Thổ Nhĩ Kỳ, mà Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ lợi dụng tình hình ở Ukraine để nâng giá”.

Nông dân ở Mỹ - quốc gia xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lớn mặt hàng lúa mì, đang theo dõi tình hình để xác định liệu mặt hàng lùa mì xuất khẩu của họ có tăng giá hay không. Ở Liên minh châu Âu, nông dân quan ngại về chi phí gia tăng cho việc nuôi gia súc. Cả Ukraine và Nga đều là các nhà cung cấp ngũ cốc lớn cho EU.

Tây Ban Nha đang cảm nhận sức nóng của cuộc chiến Nga-Ukraine lan sang giá dầu hướng dương và ngũ cốc. Tây Ban Nha cần ngũ cốc từ Đông Âu để nuôi khoảng 55 triệu con lợn.

Jaume Bernis – một nông dân nuôi tới 1.200 con lợn trong trang trại ở vùng đông bắc Tây Ban Nha, lo sợ cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm doanh nghiệp của ông thêm khó khăn trong bối cảnh đã phải chịu đựng tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và hạn hán.

Từ hồi tháng 10/2021, các sản phẩm thịt lợn Tây Ban Nha đã phải chịu tổn thất do chi phí sản xuất tăng cao, theo Bernis.

Trong 2 ngày đầu tiên của cuộc tấn công do Nga triển khai trên lãnh thổ Ukraine, giá ngũ cốc dùng làm thức ăn gia súc tăng vọt thêm 10% trên thị trường mở ở Tây Ban Nha.

Bernis chia sẻ: “Chúng tôi thực sự không biết những gì đang đợi phía trước nữa”./.

VOV.VN

Related articles
Châu Âu chưa thể tìm được ngay nguồn thay thế năng lượng từ Nga
Đây là tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc hội đàm trực tuyến với lãnh đạo các nước Mỹ, Anh và Pháp ngày 7/3.

(0) Comments
Focus
Time to back “home” Amorim!
BTO-Under Ruben Amorim, Sporting Lisbon achieved a perfect start in the Portuguese Primeira Liga, winning their first 12 matches and holding the top spot for over four months. However, after Amorim left Lisbon, both he and his former team faced struggles. Amorim is now struggling while his former teams, under new coach Joao Pereira, have fallen into crisis.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến sự Nga - Ukraine đe dọa nguồn cung lương thực cho nhiều nước trên thế giới