Chặng đường Di sản văn hóa dinh Thầy Thím

08/07/2022, 05:47

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022, về việc “Đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống - Lễ hội dinh Thầy Thím” xã Tân Tiến, thị xã La Gi.

Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao ý thức về tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng và quá trình hoạt động, phát huy giá trị bảo tồn, tính kế tục truyền thống của dinh Thầy Thím suốt chặng đường dài 143 năm (1879 - 2022) trải qua nhiều thời kỳ.

dinh.jpg
Lễ rước kiệu về dinh Thầy Thím. Ảnh: Đình Hòa

Bối cảnh và sự hình thành di tích dinh Thầy Thím

Theo lịch sử địa phương vùng đất Tam Tân (xã Tân Tiến ngày nay) là nơi có cư dân sớm nhất từ những năm đầu thế kỷ 19, sau khi Gia Long giành được vương chính, làn sóng lưu dân từ miền Nam Trung bộ theo đường biển vào phía nam khẩn hoang, lập làng. Cửa sông Ma Ly (sông Phan) trổ ra ngảnh Tam Tân tạo nên vịnh biển sóng nước êm ả, khí hậu ôn hòa quanh năm. Dịch trạm Thuận Trình - Tam Tân nối với trạm Thuận Lý (Phan Thiết) và trạm Thuận Phương (Phước Lộc) trên tuyến đường quan lộ xưa thuộc huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Từ đây, đã tích hợp nhiều yếu tố đặc trưng văn hóa xứ Quảng và dần dần tiếp biến, hòa nhập với điều kiện thiên nhiên và đời sống cộng đồng bản địa.

Đối mặt với sự tác động bởi những hiện tượng thiên nhiên, bệnh tật hiểm nghèo thì sự xuất hiện Thầy Thím qua tương truyền trong dân gian, huyền bí, linh thiêng như một bậc chính thần cứu khổ cứu nạn, đã trở thành chỗ dựa bình yên, gửi gắm niềm tin trong đời sống tâm linh của người dân nơi vùng đất mới. Điều đó càng hướng về cội nguồn, dòng họ và tập quán tín ngưỡng quê cha đất tổ. Hình tượng thần linh Thầy Thím được người dân trong làng ngưỡng vọng, tôn sùng và dựng đình/dinh để thờ phượng và có một thần tích riêng bảo trợ cho cả cộng đồng nên còn được coi là Thần Thành hoàng của đất làng Tam Tân. Đặc điểm ở đây thể hiện sự xác tín vừa là văn hóa vô hình, vừa là văn hóa hữu hình… đã tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng rất riêng của địa phương.

Dù rời xa quê hương vì loạn lạc vì cuộc sống nhưng lưu dân tha phương lập nghiệp vẫn sâu đậm trong mình những tập tục, lối sống, khí chất vượt khó, nhẫn nại để hòa nhập trên mảnh đất tụ nghĩa Tam Tân. Ở đó, nét văn hóa đặc trưng trong nghi thức tế lễ Thành hoàng, Thần linh bản địa, nghinh Ông Nam hải… từ buổi sơ khai đã biến đổi do nhiều hạn chế của hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cư dân thưa thớt. Nhưng với lễ thức dân gian theo tín ngưỡng tâm linh dinh Thầy Thím từ khi có Hội Tam Quý (trước 1969) được phục hồi những nghi thức cơ bản từ đặc điểm đất tổ, quê nhà xứ Quảng đã hài hòa, phù hợp với tâm thức tín ngưỡng, lệ tục thờ cúng của địa phương.  

Bản sắc lễ và hội dinh Thầy Thím

Căn cứ vào sự kiện khởi dựng lần đầu dinh Thầy Thím hồi cuối năm 1879 (Tự Đức thứ 32) qua chữ ghi trên xà gồ chánh điện còn lưu giữ “Kỷ Mão niên, thập nhị ngoạt, thập nhị ngũ nhật cấu tạo”, nhưng thực tế trước đó làng Tam Tân đã có lưu dân tứ xứ, tụ nghĩa ở đất này. Địa danh Tam Tân là gốc gác của 3 làng Tân Ngươn, Tân Quý, Tân Hoàng thuộc huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận. Sau một trận lũ quét kinh hoàng đổ xuống tàn phá cửa sông Maly (Ngảnh) và chuyển dịch lên, mở cửa mới hướng Ba Đăng - Động Trắng. Ba làng nhập lại trở thành làng Tam Tân (chọn lấy ba chữ Tân làm địa danh) bao gồm phần đất hai xã Tân Hải và Tân Tiến ngày nay. Dinh thờ Thầy Thím tồn tại ở khu rừng dầu nguyên sinh có tên Bàu Cái và cách dinh không xa là hai ngôi mộ đất của Thầy Thím. Cùng dưới chân hai mộ là nấm mộ nhỏ của Bạch Hổ, Hắc Hổ ở Bàu Thông. Dinh thờ với mái lá, vách gỗ đơn sơ nhưng chim muông luôn tụ họp về đây như để đắm mình với khí thiêng, an lạc trong cánh rừng trầm mặc, thâm u.

Từ sau năm 1975, quê hương được hoàn toàn giải phóng, dưới chế độ mới, tổ chức Hội Tam Quý xây dựng mô hình hoạt động trên cơ sở một tổ chức tín ngưỡng dân gian, truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng xã hội và xây dựng nề nếp sinh hoạt, lễ thức có ý nghĩa nhân văn mang giá trị văn hóa theo Điều lệ Hội và trong khuôn khổ pháp luật. Ngoài nhiệm vụ gìn giữ bảo tồn di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím, Hội Tam Quý còn đề ra tôn chỉ giữ gìn những truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người xưa… Đặc biệt trong các dịp lễ tế, cúng dường công đức của bà con và khách thập phương đã không ngừng tiếp sức, nguồn lực cho Hội Tam Quý xây dựng, trùng tu, sửa chữa cơ sở vật chất thờ phượng thêm trang trọng, nghiêm cẩn và góp phần chia sẻ cùng xã hội qua công tác nhân đạo, từ thiện, cứu trợ cho những hoàn cảnh nghèo khó, thiên tai ở địa phương. Coi đó cũng là những việc làm thiết thực theo tâm nguyện đạo hạnh của Thầy Thím thuở sinh thời.

Quá trình xây dựng, sửa chữa, tôn tạo dinh Thầy Thím và hoạt động trải dài qua chặng đường 143 năm (1879 - 2022) với biết bao thăng trầm. Các dấu mốc có ý nghĩa của sự phát triển và khẳng định hiệu quả hoạt động, điều hành của Hội Tam Quý: Năm 1993 Quyết định số 1377/QĐ-UBBT ngày 6/12/1993 của UBND tỉnh Bình Thuận, công nhận thắng cảnh dinh Thầy Thím. Năm 1997 Quyết định số 2890/QĐ-BVHTT ngày 27/9/1997 của Bộ Văn hóa Thông tin, công nhận Di tích kiến trúc -nghệ thuật dinh Thầy Thím. Năm 2022 Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đưa vào “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống - Lễ hội dinh Thầy Thím”.

Từ năm 1993, theo đề nghị của UBND huyện Hàm Tân và Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao, UBND tỉnh Bình Thuận quyết định công nhận dinh Thầy Thím là “Danh lam thắng cảnh” của tỉnh. Bước đầu về tổ chức công tác quản lý dinh Thầy Thím được xác lập và là cơ sở để phát huy. Đây cũng là kết quả của một thời gian dài bằng sự nỗ lực thành tâm của Ban lãnh đạo Hội Tam Quý các thời kỳ đã duy trì, bảo tồn di sản, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các cấp, ngành liên quan.

Cho đến thời kỳ đổi mới của đất nước, cải cách toàn diện về kinh tế và các mặt văn hóa, đời sống xã hội thì những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, huyện Hàm Tân (gồm thị xã La Gi và huyện Hàm Tân ngày nay) đã có những bước chuyển biến mới và lễ lượt truyền thống hàng năm của dinh Thầy Thím có thuận lợi, được hỗ trợ tổ chức linh đình. Đặc biệt các lễ chính: Lễ tảo mộ (mùng 5 tháng giêng), lễ tế thu (rằm tháng chín) trở thành một dấu ấn sâu sắc về văn hóa và quy mô diễn ra ở một vùng biển đẹp, giàu tiềm năng… Danh tiếng về sự tích Thầy Thím và ngôi dinh thờ tồn tại hơn trăm năm lẩn khuất dưới cánh rừng nguyên sinh, ngát hương hoa dại và nhiều thảo dược thần kỳ… có một sức thu hút mạnh mẽ đối với khách đi cúng lễ trong tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam.

Nâng tầm lễ hội gắn với phát triển chung

Với lễ hội dinh Thầy Thím, ngoài các lễ lượt truyền thống trong năm được duy trì nhưng với lễ Tế thu diễn ra trong các ngày rằm tháng 9 (ngày 14, 15, 16). Đây là lễ cúng tế lớn nhất của dinh Thầy Thím hàng năm, ngoài phần nghi thức, hiến lễ vật lễ nghinh Thần từ điện thờ mộ Thầy Thím (Bàu Thông) lúc hừng sáng ngày 14 rước linh Đức Thầy Thím đi trên đoạn đường dài hơn 3 cây số và đến dinh, long trọng lễ nhập điện an vị. Ngày rằm lễ cúng ngọ chay, do Chánh bái, hội chức hầu cúng. Rạng sáng ngày 16 tiến hành lễ Thỉnh sanh/Tĩnh sanh, chánh tế và đến lễ Túc yết. Vật tế là một con heo sống có bộ lông trắng, được thọc tiết hứng lấy ra một ít huyết và nhúm lông theo cổ lệ (gọi là mao huyết) mang ý nghĩa “tế thần”. Học trò phụ lễ mang chén huyết đặt lên bàn hương án đến lễ Chánh tế, chư vị Tôn Thần. Đồng thời cũng trưa ngày 16 là lễ Giỗ Tiền hiền với lễ vật bằng 9 mâm cơm mặn, thể hiện lòng thành với công ơn “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ…”. Không những lễ vật dâng cúng phải theo tập tục người xưa và không thể thiếu tại Chánh điện, các bàn Khám Thầy, Khám Tiền Hiền, miếu Ông Hổ, Miếu Thành Hoàng, Thổ địa…

Trong khuôn viên chánh điện thờ Thầy Thím, điện thờ Tiền hiền, Thành hoàng bổn cảnh, các Miếu… được trang hoàng, lễ vật nghiêm trang. Cạnh gốc cây đa cổ thụ với bộ rễ đan rộng trên mặt sân như hóa thân, hiện hình những con cá sấu, mãng xà đang quy phục dưới bóng cây xanh rợp mát. Năm nào cũng vậy, thiết kế mô hình từ sự tích về Thầy Thím được tái hiện mái nhà tranh đơn sơ; chiếc ghe gỗ để nhớ đến chuyện “sái đậu thành binh” mà thầy đóng ghe giúp ngư dân; trái bầu khô thì liên tưởng đến bí thuật kỳ diệu… thật sinh động. Bên cạnh đó những hoạt động từ thiện, thí thực hay bốc thuốc nam bằng thảo dược cho mọi người. Linh đình, nhộn nhịp nhất của mùa hội vía tháng chín tế thu, đêm 14 là lễ khai mạc lễ hội văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím diễn ra linh đình, cũng là đêm chính thức khai hội đón khách thập phương về cúng viếng. Quan chức các cấp ngành của tỉnh và La Gi - Hàm Tân có mặt đánh trống khai hội và chào mừng. Chương trình văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật sân khấu hóa đêm “Trăng thu xứ biển” mỗi năm đều thay đổi để khắc họa, cảm xúc về tâm linh huyền thoại qua hình tượng Thầy Thím trong đời thường, giới thiệu sắc màu văn hóa của vùng đất La Gi. Do đó mùa lễ hội dinh Thầy Thím cũng được coi là cao điểm đón nhận khách tham quan du lịch từ các nơi về vùng biển La Gi để vừa cúng bái vừa tận hưởng không gian vùng đất biển còn hoang sơ với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”…

Hiện nay lễ hội dinh Thầy Thím được ghi danh vào “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” càng đòi hỏi không ngừng sự đầu tư, tái tạo, nâng cao bản sắc văn hóa gắn bó, đồng hành với cộng đồng và lưu giữ cho mai sau.

PHAN CHÍNH

Related articles
Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long: Giữ  “hồn cốt”, lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử
Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long sinh ra ở vùng quê tiếp giáp với thành phố Phan Thiết, cuộc đời và sự nghiệp bắt đầu từ năm 1964 ông theo học nghề thầy Nguyễn Văn Diễn (đã mất), là một nghệ nhân đờn ca tài tử tại thị trấn Phú Long (ngày nay) tiếp tục học nâng cao ở thầy Bảy Trạch, nghệ nhân nổi tiếng thời bấy giờ.

(0) Comments
Focus
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chặng đường Di sản văn hóa dinh Thầy Thím