
Khởi nguồn tạo dựng nên thị xã và thành phố Phan Thiết bây giờ, có lẽ được bắt đầu trên cơ sở của dòng Cà Ty thơ mộng và cửa biển Cồn Chà. Trước đó, nơi được chọn là sông Cái và cửa biển Phố Hài. Sông Cà Ty (ở thượng nguồn có tên là sông Mương Mán, trong thi ca còn có tên gọi sông Mường - Mường giang). Nếu phần phía Nam sông chỉ đặc biệt dành cho sự phát triển về kinh tế, kinh doanh và phát triển ngành nghề. Thì ngược lại bên này Bắc sông là những khu vực dành cho các cơ sở tổ chức chính quyền và các cứ điểm quân sự, chỉ huy. Bên này sông do thế đất cao ráo, có nhiều gò đồi chạy dọc theo bờ sông. Hai gò cao nhất dành riêng cho dinh Tỉnh và tiểu khu quân sự, vị trí địa danh của chợ Gò cũng nằm trong thế đất như vậy. Đến bây giờ, chắc cũng không còn nhiều người biết được là chợ Gò có từ khi nào, nhưng theo các bậc cao niên hiện còn sống đến bây giờ thì: Tính từ năm 1954 khi kết thúc chiến tranh, người dân Phan Thiết đi tản cư ở các miền quê lục tục kéo về định cư lại thì chợ Gò đã có từ trước, và khi người dân đã ổn định cuộc sống thì chợ Gò lại phát triển nhộn nhịp hơn trước. Nhưng theo lịch sử hình thành khu vực bắc Phan Thiết thì từ lúc thành lập thị xã và kiện toàn, những con đường cố định phân chia khu vực còn đến tận bây giờ là những ranh giới chia ra từng phần ở phía bên này sông. Đường Nguyễn Hoàng (quốc lộ 1), cắt đôi theo trục dọc thì hai con đường Hải Thượng Lãn Ông và Cao Thắng cắt theo trục ngang cùng với con đường chạy dọc bờ sông từ cầu Bát Xì đến tận biển Thương Chánh có tên là Huyền Trân Công Chúa và đường bến Bà Triệu. Đường Hải Thượng Lãn Ông bắt đầu từ ngã tư trung tâm Bưu điện và Ty ngân khố, chạy về hướng tây lên đến hết dinh Tỉnh cũ ngày xưa, đi ngang qua Nhà thương (bệnh viện), phố ba mươi căn, sân vận động (sân banh). Tỉnh đường cũ của Bình Thuận nằm ở làng Phú Tài, Hàm Thuận, có một thời gắn liền với cuộc đời chính trị của ông Ngô Đình Diệm (sinh ngày 3/1/1901 mất ngày 2/11/1963). Bắt đầu từ chức vụ tri huyện Hương Trà 1921- 1923, đến tri huyện Quảng Điền 1923 - 1926, quản đạo phủ Ninh Thuận 1926-1929, Tuần vũ Bình Thuận từ 1929-1933, thượng thư bộ Lại chỉ trong 101 ngày từ 8/4/1933 đến 18/7/1933. Làm Thủ tướng từ 1954 rồi đến Tổng thống VNCH từ 26/10 năm 1955. Hiện nay trên đường Hải Thượng Lãn Ông có một khu vực định cư của người dân hai huyện Quảng Điền và Hương Trà do ông vận động di dân và cấp đất định cư, có một ngôi nhà Hội mang tên là Quảng Điền Tương Tế Hội, một ngôi nhà Văn Chỉ và Văn Thánh. Trên đường Nguyễn Hoàng có các cơ sở quân sự như Tiểu đoàn 81 Bảo An, Đại đội Hành chánh Tiếp vận hậu cần. Gần đó là ga xe lửa và xa hơn một chút là Trường Trung học Phan Bội Châu. Năm 1913 xây dựng cơ sở kho bãi cho việc hình thành ga xe lửa Phan Thiết thì phải đến năm 1920, khi tuyến đường sắt Biên Hòa - Phan Rang Tháp Chàm thông tuyến thì ga Phan Thiết mới bắt đầu đi vào hoạt động. Bệnh viện, sân banh, phố ba mươi căn xây dựng để cho thuê vào khoảng năm 1930, thì chợ Gò phải có trước ở thời điểm này để phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân cùng số quan lại, chức sắc đang làm việc ở đó.
Thị xã Phan Thiết được thành lập và công nhận từ ngày 20/10/1898, dời tỉnh đường Bình Thuận từ Hòa Đa về Phan Thiết, làng Long Khê phía Bắc sông Cà Ty được chọn làm khu xây dựng cơ sở hành chính trung tâm như trụ sở tỉnh, Khu chỉ huy quân sự, Bưu điện, Ngân khố, Vườn hoa, Tháp nước, kèm theo đó là Nhà thương, Sân banh, Điện lực. Và với một khu vực có những công trình tương đối to lớn so với thời đó, có nhiều người làm việc, người cộng tác và dân chúng ở chung quanh. Thì chắc chắn chợ Gò phải có mặt vào khoảng thập niên đầu năm 1900!? (chợ lớn Phan Thiết xây dựng năm 1900). Năm 1899, làm Tỉnh lộ 8 nối Phan Thiết lên Di Linh, năm 1928 tháp nước Phan Thiết được xây dựng do Hoàng thân Lào tên Xuphanou -vong lúc còn theo học kiến trúc xây dựng ở Việt Nam thiết kế và xây dựng đến năm 1934 mới hoàn thành (Tháp cao 32 m, đường kính chân tháp 9 m, chu vi 31 m2, trên đỉnh có đắp nổi những chữ Pháp Usine des eaux de Phan Thiết, nhà máy nước Phan Thiết).
Theo cuốn “Phan Thiết truyền thống đấu tranh cách mạng in năm 1989”, thì chợ Gò nằm lọt gọn trong 4 góc đường ở khu phố 7 phường Phú Trinh giữa các trục đường Hải Thượng Lãn Ông, Bà Triệu theo hướng đông tây và Trần Cao Vân, Yersin, theo hướng nam bắc. Chính giữa hai trục đường này có hai đường hẻm lớn, ngang dọc giao nhau ở một điểm trung tâm và chính điểm này là trung tâm chợ. Bên trong chợ, cuối con đường dốc gò hơi cao đi ra đường Bà Triệu, trên gò người ta lập miếu thờ Thành hoàng, Thổ địa, nên tiếng gọi địa danh chợ Gò có thể có nguồn gốc từ nơi đó. Chợ Gò có hình như chữ thập, nhóm chợ theo cung đường có sẵn, nhưng được lợi thế có nhiều đường thông ra lộ chính, đi đến dễ dàng kể cả việc chuyển cá từ dưới sông lên bến Bà Triệu.
Người xưa nói “Nhất cận thị, nhì cận giang”. Nên những khu vực, những đường lộ gần chợ, gần sông của chợ Gò cũng là nơi ở tập trung của những người có tiếng tăm, giàu có. Những chức sắc làm việc cho chính quyền và cả những người có đầu óc kinh doanh. Cùng với những người lưu lạc tứ cố vô thân, ngày trước cũng có thời oanh liệt nay hết thời lui về ẩn dật qua ngày. Thành ra nói địa danh chợ Gò là nơi tọa lạc, tụ tập buôn bán của chợ, nhưng thực ra cả khu vực xung quanh chợ như: Ngã ba Nhà Thương, phố 30 căn, cầu Bát Xì, trụ sở ấp Phú Trinh, Trường Nữ Phan thiết (nay là Bảo tàng Bình Thuận), dãy phố Hải Thượng Lãn Ông phía bên kia đường cũng được coi là dân chợ Gò. Nói chung là quy mô của chợ Gò không lớn, tiêu thụ sản phẩm cũng không nhiều. Từ trước năm 1975 cho đến về sau này cũng vậy, chỉ có một số quày tạp hóa bán hàng nhu yếu phẩm, những món ăn sáng, ăn vặt sáng chiều. Bên trong chợ bán thịt cá, rau củ quả và những thực phẩm chế biến. Trừ những nhà cất trước được dùng làm nơi bán hàng, có kệ có bàn, còn phần nhiều là bày hàng ở dưới mặt đường, hoặc kê kích trên những sạp gỗ. Chợ cá mãi về sau này mới có nền xi măng và lợp mái. Đi ngang chợ bây giờ thấy vắng đìu hiu vì phương thức kinh doanh đã khác. Chỉ có đến ngày rằm, ngày mùng một, người ta bày hàng hoa quả cúng tràn cả mặt đường Yersin là vui thêm một tí.