Theo cảnh sát Ý, các đối tượng bị cáo buộc bóc lột cũng là người Ấn Độ, đã chủ mưu tổ chức đưa người Ấn Độ đến Ý theo giấy phép lao động thời vụ, đồng thời yêu cầu mỗi người phải trả 17.000 euro, kèm hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp hơn.
Những người được đưa tới Ý làm tại các nông trại, mỗi ngày từ 10 - 12 giờ, suốt cả 7 ngày trong tuần. Mỗi giờ họ chỉ nhận được 4 euro. Tuy nhiên, trên thực tế, họ không nhận được khoản tiền lương nào cho đến khi trả hết nợ, thậm chí một số người còn bị ép làm việc không công để trả thêm 13.000 euro cho giấy phép lao động - vốn không bao giờ nhận được.
Cảnh sát Ý cho biết những người lao động này bị đối xử không khác gì "nô lệ". Theo cảnh sát, các nạn nhân sẽ được bảo vệ, có cơ hội làm việc cũng như được cấp giấy cư trú hợp pháp, trong khi những đối tượng đưa họ sang Ý bị buộc tội liên quan đến chế độ nô lệ và bóc lột sức lao động.
Giống như các nước châu Âu khác, Ý đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng tăng. Tình trạng này thường được giải quyết bằng lao động nhập cư, đặc biệt là những công việc được trả lương thấp hơn. Trong khi đó, hệ thống thị thực lao động nhập cư của Ý cũng đã xuất hiện tình trạng gian lận. Thống kê chính thức cho thấy, khoảng 11% số lao động ở Ý được tuyển dụng bất hợp pháp và con số này chiếm tới hơn 23% trong lĩnh vực nông nghiệp.