Vì sao vẫn tồn tại?
Bên cạnh sản phẩm có thương hiệu và đạt chất lượng, hiện nay trên thị trường còn tiềm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này không khó lý giải bởi những loại hàng này thường có giá rẻ, do một số tiểu thương hám lợi nên đã trà trộn để bán lẫn với những mặt hàng tốt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Thế nên, ông Đặng Sỹ Hảo - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho rằng hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ. Cụ thể như: Ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính cũng như làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cũng thừa nhận tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang tồn tại và là vấn nạn chung của xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân. Và rằng hầu hết các nhãn hàng có uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái nên gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Còn theo ông Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, sàn giao dịch điện tử, các kênh bán hàng online thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng càng có cơ hội đến với người tiêu dùng nhanh và nhiều hơn… Thực tế cũng cho thấy, thị trường kinh doanh bán lẻ và thương mại điện tử phát triển tạo sự thuận lợi trong mua sắm, tiêu dùng nhưng cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.
Từ thực tế trên, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại địa phương cần được quan tâm tăng cường. Mặt khác còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện được dấu hiệu để qua đó tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trong mua sắm, nhất là trên “chợ mạng”…
Cẩn trọng trong tiêu dùng
Tại Hội thảo “Nhận diện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” diễn ra tại TP. Phan Thiết mới đây, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chia sẻ thông tin, kiến thức liên quan. Thông qua đó cùng chung sức đẩy lùi vấn nạn này trong thời gian tới, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất - kinh doanh chân chính.
Theo đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết thời gian qua đã tổ chức quán triệt đến hội viên các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hay như tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đảm bảo. Đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và tạo thói quen mua hàng có tem - nhãn đầy đủ, xem hạn sử dụng, mua hàng lấy hóa đơn và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… Đối với thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Phan Thiết chia sẻ kinh nghiệm: Khi sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến hãy chọn các trang web bán hàng hoặc cửa hàng mua sắm từ nhà sản xuất hoặc đại lý uy tín. Ngoài ra, khách hàng nên kiểm tra thông tin kỹ lưỡng để đảm bảo mua sản phẩm chính hãng và chú ý đến thông tin về giá cả, màu sắc, kích thước, chất liệu, hình ảnh sản phẩm. Bởi nếu hàng giả sẽ chứa các thông tin không rõ ràng, hoặc những thông tin cần có bắt buộc in trên nhãn sản phẩm lại thể hiện một cách qua loa, mờ nhạt. Bên cạnh đó phải kiểm tra kỹ khi nhận hàng để đảm bảo rằng chúng là sản phẩm, hàng hóa chính hãng và không bị hỏng hoặc bị đổi hàng giả…
Cũng có ý kiến cho rằng, các nhà sản xuất cần chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp hiệu quả, vừa bảo vệ thương hiệu vừa giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hóa trên thị trường… Riêng với khách hàng thì cẩn trọng hơn trong tiêu dùng thông qua việc nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng hàng chính hãng và phản ánh đến cơ quan chức năng khi gặp trường hợp phát sinh về gian lận thương mại trong quá trình tiêu dùng.
Trong mua sắm, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng với sản phẩm có giá quá rẻ so với giá trung bình chung, bởi mức quá rẻ so với giá trị thực của nó thì có thể đây là dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng… Đồng thời khi mua hàng cần thiết yêu cầu người bán xuất hóa đơn, vì hóa đơn bán hàng là một trong những chứng cứ quan trọng trong trường hợp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi cho mình.