Cân nhắc khi tiếp tục xả nước sau xử lý vào Bàu Trắng

15/08/2024, 05:13

Qua theo dõi trực quan, từ năm 2021 đến nay, cây sen trong Bàu Bà giảm dần qua từng năm và hiện còn rất ít...

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình về ý kiến đối với việc xả nước thải sau xử lý trong sản xuất của Trạm cấp nước Hòa Thắng vào Bàu Trắng. Trước đó, ngày 22/7, Phòng Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị có ý kiến về xả thải nguồn nước thải sau xử lý để giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường của Dự án “Trạm cấp nước Hòa Thắng”, khi giấy phép của đơn vị này sẽ hết hạn vào ngày 15/10/2024, theo giấy phép cấp năm 2019 của UBND tỉnh.

dsc_2481.jpg
Một góc vẻ đẹp của thắng cảnh Bàu Trắng. Ảnh: Đ.Hòa

Sở VHTT&DL sau đó đã giao Bảo tàng tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận tổ chức khảo sát thực tế tại Trạm cấp nước Hòa Thắng, thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng. Theo đó, qua khảo sát, Sở VHTT&DL nhận thấy, Trạm cấp nước Hòa Thắng gồm có các hạng mục: Trạm bơm cấp 1, hệ thống bồn lọc áp lực, bể chứa số 1, bể chứa số 2, Trạm bơm cấp nước cấp 1, hệ thống ống nhựa PVC 250 dài 50m dẫn nước từ Bàu Bà lên Trạm bơm cấp 1… Hầu hết các hạng mục này nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng, chỉ có Trạm bơm cấp 1 nằm trong khu vực bảo vệ I của thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng (được xây dựng trước khi Bộ VHTT&DL có quyết định xếp hạng thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng).

Trạm cấp nước Hòa Thắng hoạt động với công suất sản xuất nước cấp khoảng 1.000 m3/ngày đêm, công suất tối đa được cấp phép là 3.600 m3/ngày đêm. Nguồn nước cung cấp cho trạm được lấy từ Bàu Bà. Riêng nước thải của trạm sau khi được xử lý sẽ thải ra Bàu Bà với lưu lượng 30 m3/ngày đêm (chu kỳ 3 ngày/lần). Từ thực tế nêu trên, Sở VHTT&DL đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với việc khai thác nguồn nước từ Bàu Trắng của Trạm cấp nước Hòa Thắng với công suất khoảng 1.000 m3/ngày đêm, công suất tối đa được cấp phép là 3.600 m3/ngày đêm có ảnh hưởng đến trữ lượng nguồn nước Bàu Trắng về lâu về dài hay không.

Đối với nguồn nước thải sau khi được xử lý thải ra Bàu Bà với lưu lượng 30 m3/ngày đêm (chu kỳ 3 ngày/lần) chắc chắn sẽ có tác động, ảnh hưởng đến nguồn nước và hệ sinh thái động vật, thực vật trong Bàu Bà. Thực tế qua theo dõi trực quan, Sở VHTT&DL cho biết, trong khoảng từ năm 2021 đến nay, cây sen trong Bàu Bà giảm dần qua từng năm và hiện còn rất ít, nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân. Do đó, cần cân nhắc, xem xét và đánh giá lại một cách khoa học, đầy đủ để xác định có hay không có những tác động tiêu cực khi Trạm cấp nước Hòa Thắng đã, đang và sẽ tiếp tục xả nước thải sản xuất sau xử lý ra Bàu Bà, trước khi quyết định cấp lại giấy phép môi trường Dự án Trạm cấp nước Hòa Thắng xả nước thải sản xuất sau xử lý ra Bàu Bà của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận. Sau khi có kết quả, thì Sở VHTT&DL mới có cơ sở hướng dẫn các thủ tục tiếp theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo Sở VHTT&DL, Bàu Ông và Bàu Bà đều nằm trong khu vực bảo vệ I của thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng. Tại khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”. “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

P. SINH

Related articles
Đừng thờ ơ với bảo vệ di sản văn hóa, thắng cảnh
Mỗi di tích, công trình văn hóa hay thắng cảnh không chỉ chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc hay cảnh quan, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần vô giá.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cân nhắc khi tiếp tục xả nước sau xử lý vào Bàu Trắng