Cần làm rõ nguyên nhân vì sao Nghị quyết 43 chưa đi vào cuộc sống

01/06/2022, 19:09

BTO-Chiều nay 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, đại dịch Covid-19 xảy ra trong 2 năm qua đã khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2022 Quốc hội tiến hành triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Có thể nói đây là kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ, với bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và các vị ĐBQH.

11a24075-a42e-4156-832d-d9da5a1add15.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông thảo luận tại hội trường


Kỳ họp đã thông qua nhiều cơ chế chính sách hết sức kịp thời và cần thiết, trong đó có chính sách tài khóa, chính tiền tệ đễ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế với mục tiêu nhằm để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và chặn đà suy giảm kinh tế với tổng số tiền lên đến 350.000 tỷ đồng (Nghị quyết 43). 
Tuy nhiên, cho đến nay Nghị quyết 43 triển khai chưa thực sự có hiệu quả, đồng nghĩa với việc nghị quyết trên chưa thực sự  đi vào cuộc sống. Đại biểu Thông đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá thật sâu kỹ vấn đề này, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Thông nhận định, đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, xã hội đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Để hỗ trợ phần nào khó khăn của người lao động và khuyến khích họ tham gia vào hoạt động sản xuất, cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Vậy nhưng sau hơn 2 tháng triển khai, tiến độ giải ngân hỗ trợ vẫn rất chậm. “Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước chỉ mới phê duyệt gần 10.000 người lao động (tỷ lệ 0,3%) được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với khoảng 33 tỉ đồng (chiếm 0,0002% trên tổng số tiền hỗ trợ). Vậy với một chính sách hết sức đúng đắn, nhân văn như vậy vì sao lại triển khai chậm. Tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội báo cáo thật cụ thể và nêu các giải pháp nào giải quyết, tháo gỡ trong thời gian sớm nhất” – đại biểu Thông đề nghị.

Nêu ý kiến xung quanh vấn đề nhà ở cho công nhân, đại biểu Thông cho biết, công nhân là một trong những lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng thực tế đời sống hàng triệu người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp hết sức khó khăn, vất vả, nhất là vấn đề nhà ở với diện tích nhà trọ lụp xụp chỉ 10 m2 là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Chính vì vậy, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ sớm rà soát, đánh giá một cách toàn diện và cụ thể vấn đề giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động để kịp thời tháo gỡ những bất cập; để những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công nhân, người lao động được hiện thực hóa, tránh lập lại câu “triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu” qua sơ kết, tổng kết.

 

T.HÀ

Related articles
Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV:
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp, kinh tế - xã hội
BTO-Sáng nay (23/5), Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 3 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp; kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt, theo dõi hoạt động của kỳ họp, Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XV.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần làm rõ nguyên nhân vì sao Nghị quyết 43 chưa đi vào cuộc sống