“Ươm vào đất chút hương” bao gồm những thi phẩm được nhà thơ viết về quê hương (Nam Định) và quê hương thứ hai của ông (La Gi, Bình Thuận), về Bác Hồ, về vùng quê biển, về cảnh sắc và hương vị của thiên nhiên, về những người thân yêu, về bạn bè, về nghề dạy học, cùng những đề tài khác.
Tình cảm của nhà thơ Phạm Tường Đại đối với Bác Hồ rất sâu đậm. Điều ấy thể hiện rõ trong thi phẩm “Thăm khu vườn Di tích”. Nhà thơ tinh tế nhận ra có màu cẩm thạch trong một buổi chiều Phan Thiết, và hàng bông bụt rung nhẹ đón khách vào thăm: “Tôi về thăm Khu di tích Bác Hồ/ Chiều Phan Thiết long lanh màu cẩm thạch/ Hàng bông bụt trang nghiêm đón khách/ Nắng soi rung nhẹ đuôi cờ”. Trong dòng hoài niệm về Bác Hồ thuở Bác dạy học tại Trường Dục Thanh, nhà thơ hình dung những người học trò thuở xưa được nghe Bác giảng bài: “Những cậu bé Dục Thanh năm xưa ngồi đó/ Phút đầu tiên nghe Bác giảng bài…”. Tác giả đã nhiều lần quan sát những hình ảnh Bác Hồ trong những bức tranh, để nhận ra ánh mắt Bác Hồ đã thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của Người. Bác nhìn những đoàn quân, những lớp cháu con ngày ra trận: “Đơn sơ, mộc mạc/ Bức tranh về ánh mắt của Bác/ Sáng bừng lên từ trái tim tôi/ Ánh mắt Bác Hồ ngày ra trận em ơi!” (Ánh mắt Bác Hồ ).
Đất quê hương là một trong những đề tài mà nhà thơ Phạm Tường Đại đã từng để vào đây nhiều tâm huyết, gợi cho tác giả những cảm hứng trong sáng tạo những vần thơ. Những lời thơ được in ở bìa cuối của thi tập, có thể xem như lời đề từ của “Ươm vào đất chút hương”: “Đất đã cho ta ngàn mạch sống/ Ta ươm vào đất chút hương nồng”. Nhà thơ quý trọng đất quê hương biết bao! Bởi tác giả đã nhận ra: đất quê hương đã nuôi sống biết bao người. Thi nhân muốn đáp lại điều ấy, bằng những gì tốt đẹp nhất, gởi lại chút tình yêu ấy vào đất quê hương. Ở một thi phẩm khác, tác giả đã viết về đất, với một tình cảm vừa thực tế, vừa có chút lãng mạn của thi nhân: “Đất siêng, đất cứ xoay vần/ Người siêng, người cứ dành phần cho hoa” (Chén trà tân Xuân).
Quê hương trong thơ của nhà thơ Phạm Tường Đại có những nét đẹp, lẫn những rung cảm, những niềm vui chan hòa trong lòng người, sau những ngày thống nhất đất nước: “Ta đi giữa mùa Xuân/ Hoa mai vừa độ nở/ Như tình yêu buổi đầu gặp gỡ/ Hương lòng dâng mông mênh” (Mùa Xuân trên quê mới).
Phố biển La Gi, quê hương thứ hai của nhà thơ, đã đi vào những trang thơ của tác giả. Nhà thơ đã đắm chìm vào một tâm trạng vừa lạ vừa quen khi về thăm xóm Bãi: “Lâu lắm không về thăm xóm Bãi/ Để mình lạ lẫm bước chân quen/ Mắt lưới lung linh bờ cát mặn/ Dừa tơ xanh mút ánh trăng mềm” (Xóm Bãi). Có những lời thơ cô đúc nhưng lại gói những điều riêng biệt nhất của một hoàng hôn trên biển: “Mây bay về viễn xứ/ Trời khuất đỉnh non xa/ Biển nồng nàn câu hát/ Gọi gió về ngân nga” (Hoàng hôn biển).
Gắn bó với xứ biển nhiều năm, để nhà thơ hiểu về tay nghề của những ngư dân cùng những người vợ của họ. Họ thuần thục những kỹ năng trong việc lao động hằng ngày: “Thương em đêm nay thức suốt canh dài/ Lần sợi cước rối dài thêm tay lưới/ Sợi cước tay em không bao giờ rối/ Như đời anh không biết trượt tay chèo” (Bài ca tâm tình người xứ biển).
Nhà thơ đã dành rất nhiều công sức, sự sáng tạo của mình vào những thi phẩm có đề tài hoa. Có rất nhiều bài có tựa đề viết về các loài hoa, có hoa trên thực thể và hoa của những biểu tượng: “Bông hồng hạnh phúc”, “Nhành hoa tím”, “Tình yêu hoa dạ thảo”, “Hoa tóc”, “Hoa xoan”, “Tình ca hoa phong lan”, “Có một loài hoa”…
Có chút lãng mạn đẹp đẽ trong những dòng thơ của thi nhân: “Bất chợt gió cài lên tóc/ Cánh hoa em hái ngày nào/ Một chút hương tình dẫu cũ/ Xuân về cũng thấy nao nao” (Hoa tóc). Cùng đây nữa, hoa vẫn đượm sắc hương, vẫn vươn lên giữa cành khô, thân rã: “Hoa phong lan/ Nở trên cành củi mục/ Sớm chiều mây gió trao duyên” (Tình ca hoa phong lan).
Nhà văn Huỳnh Hải Âu đã viết ở Đôi lời, mở đầu cho tập thơ: “Tập thơ “Ươm vào đất chút hương” là tập hợp những tình cảm và hoài niệm của nhà thơ Phạm Tường Đại đối với quê hương Nam Định, với gia đình, với quê hương thứ hai là La Gi, trong đó ngoài những cảm xúc về vẻ đẹp của cảnh vật, còn có những tình cảm và tình yêu đối với bạn bè, người thân… Tập thơ như một gửi gắm của người đã mất, vẫn muốn để lại cho đời một chút hương”.
Nhà giáo – nhà thơ Phạm Tường Đại đã gắn bó với nghề dạy học trên 30 năm trong cuộc đời, cùng với đó là tình yêu thơ của ông. Thơ của tác giả giản dị, lời chân phương, đẹp đẽ, tràn đầy những tình cảm với quê hương, cả Nam Định, lẫn La Gi, Bình Thuận, với những người thân yêu, với bằng hữu... Thi tập thứ ba in riêng của nhà thơ lần này như chứa đựng những gì đẹp đẽ nhất mà ông gửi lại cho đời đúng với những lời thơ ông tâm đắc, được lưu lại ở lời đề từ của tập thơ.