Cái chạn bếp

17/01/2025, 05:48

Cuối năm ai cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa để đón tết. Mấy chị em tôi cũng vậy, tranh thủ dọn dẹp nhà mình sớm đặng còn qua nhà phụ má. Từ hồi ba mất, mấy chị em đã thống nhất mỗi năm tụ họp về sớm phụ má.

Mấy anh con rể thì chỉ phụ việc nặng nhọc như sơn lại nhà hay sửa đồ đạc, còn con gái thì quét dọn. Năm nay nhỏ Út quyết định mua cho má cái tủ chén mới thay thế cái chạn bếp đã cũ. Nó nhất quyết bảo phải thay mới vì chạn bếp đã cũ lắm rồi mà vừa để được ít đồ, vừa nhìn không được đẹp nữa. Má lưỡng lự biểu thôi còn xài được bỏ chi uổng nhưng con Út nhất định không nghe. Nó biểu má tủ kiếng vừa sang vừa sạch sẽ, cái gì cũ cũng phải thay, người cũ còn chết huống hồ đồ vật. Má nghe tới đó thì thôi không phản đối nữa, chỉ thở dài.

chan-bep.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vậy là khi tôi về dọn dẹp nhà phụ má, chẳng còn cái chạn bếp gỗ bên góc bếp nữa, thay vào đó là tủ kiếng hợp thời, trông gọn gàng, xinh xắn. Phía trên nóc tủ, má cẩn thận trải tấm khăn bàn bằng nhựa, lại trang trí một bình hoa giả xinh xinh. Nhìn hợp mắt lắm. Má có vẻ hể hả, biểu:

- Công nhận cái tủ kiếng này trông nhỏ mà đựng được nhiều đồ. Nồi niêu gì cho vô tủ hết, gọn gàng, sạch sẽ. Cái chạn bếp cũ to mà đựng được ít đồ, hồi xưa thiết kế dở quá, đúng là càng ngày người ta càng tạo ra nhiều đồ tiện lợi hơn.

Nhỏ Út nghe tới đó biểu:

- Mấy năm trước kêu thay má không chịu, cứ tiếc cái chạn bếp cũ, giờ thay mới thấy con có lý đúng hông. Má cứ hay tiếc này tiếc nọ, bởi nhà đầy đồ cũ, cái tánh này phải sửa nghen má. Đồ dùng thì phải cũ, cũ thì phải thay, tiếc làm chi. Má dùng hoài hổng thay rồi người ta sản xuất ra bán cho ai.

Câu bông đùa của nó khiến mọi người ai nấy đều phải bật cười. Dĩ nhiên nó nói rất đúng, có điều mỗi lần nhìn cái chạn bếp cũ nơi sân sau nép bên tường nhà tự dưng lòng lại dâng lên nỗi buồn, có cái gì tiêng tiếc vấn vương mãi trong lòng. Đến độ tối cũng chẳng ngủ được, hễ nhắm mắt là thấy hình ảnh cái chạn bếp nép mình buồn thiu một góc sân. Nó như đang cụp mắt rưng rưng thương xót cho thân phận mình. Nó như đang ai oán trách móc chủ sao lại bỏ rơi. Nó như đang kể lể những công trạng của mình để mong chủ thương xót mà suy nghĩ lại. Nhưng chẳng có ai thấy, ai nghe được nên nó vẫn phải đứng buồn thiu nơi góc sân dãi dầm nắng gió. Thế là nó đành chấp nhận xuôi theo số phận.

Nghĩ tới đó lòng tôi lại buồn vô hạn. Tôi nhớ má kể cái chạn bếp đó là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của ba khi học nghề mộc. Má biểu ba mày khéo tay, học vài tháng đã biết đóng chạn bếp, có điều lại không đam mê nghề mộc, chê nhiều bụi, chê cực nên không theo. Đóng được cái chạn bếp cho vợ thì bỏ nghề luôn. Hồi đó, cái chạn bếp quý lắm, bởi nó là nơi cất chén dĩa, để mấy cái hũ gia vị hay đồ dùng nhà bếp. Nhà ai có cái chạn bếp là cũng thuộc hàng khá giả rồi á. Bởi vậy má rất quý nó, thường xuyên lau dọn nên nước sơn sáng bóng. Có điều vì là sản phẩm đầu tay, và cũng chỉ là chạn bếp nên không được làm bằng gỗ tốt, dùng lâu thì cũng ngả màu, gỗ cũng đổ bột nên cũng khó chịu đôi chút. Tôi biết má cũng muốn thay lâu rồi mà chẳng qua lưu luyến vì nó là vật do ba làm ra. Từ hồi ba mất, má hay nhắc lại mấy chuyện hồi xưa rồi thở dài. Chắc má nhớ ba dữ lắm. Đời người sinh ly tử biệt biết sao được. Vợ chồng già mà người mất người còn nó buồn dữ lắm. Bởi vậy mới mấy năm mà má trông già đi nhiều lắm, không còn vui vẻ như xưa nữa. Có lẽ vậy nên má không cho đốt cái chạn bếp cũ mà biểu để bên hông nhà.

Má lưu luyến nó là đúng, tôi đây còn thấy thương nó huống hồ là má. Tôi nhớ khi còn nhỏ, chuyên gia chui vào hộc tủ chạn bếp để trốn. Có lần má mở ra thấy tôi đang co người ngồi trong thì hoảng hốt thét lên, khi tôi lồm cồm bò ra, má bình tĩnh lại, tét cho một phát vào mông đe không được chui vào đó nữa. Từ đó tôi không dám chui vào nhưng cũng vẫn nghịch ngợm lén kéo nó ra để nấp vào sau, ai dè nó nặng quá kéo không nổi còn bị rộp tay, thế là chị Ba được một trận cười no bụng.

Ngoài cái trò nghịch ngợm, tôi còn khoái chạn bếp bởi đó là nơi tôi có thể kiếm đồ ăn vụng được. Má cất đường, mỡ, gia vị trên kệ. Tôi cứ canh mỗi lần má vắng nhà là ù té chạy vào lén bẻ miếng đường thẻ nâu nhâm nhi. Bây giờ thì ăn đường cát chứ hồi đó có đường thẻ là quý rồi. Đường mềm tan trên đầu lưỡi ngọt lịm khiến tôi chìm trong niềm vui giản đơn.

Tuổi thơ tôi đã trôi qua êm đềm như vậy. Cái chạn bếp chứng kiến chị em chúng tôi lớn lên, chứng kiến những bữa cơm đông đủ gia đình. Nó cũng chứng kiến biết bao đổi thay của gia đình tôi, kể cả những ngày tháng cô độc của má sau khi ba mất. Vậy mà giờ đây bị hắt hủi. Có lẽ nó tủi thân lắm, khóc cạn nước mắt. Tôi cũng đành bất lực. Cuộc đời này vốn khắc nghiệt như vậy, chẳng cái gì tránh được quy luật đào thải. Chỉ còn biết chấp nhận. Có thể, một ngày nào đó, khi tôi đã già đi, cũng sẽ ngậm ngùi đứng đó như chạn bếp, theo dõi cuộc đời của con, cháu mà chẳng khuyên bảo gì vì ai đi nghe những suy nghĩ già nua, lỗi thời nữa…

KHÁNH NGÂN

Related articles
Cánh thiệp đầu xuân
Tôi xin mượn tựa đề nhạc phẩm “Cánh thiệp đầu xuân” của Minh Kỳ và Lê Dinh - bài hát này xuất hiện từ khoảng tháng 11 năm 1963 - để viết cho bài tùy bút ngắn này. Và đây là một bài hát xuân không thể thiếu, như không thể thiếu bánh mứt, hoa quả trong những ngày tết.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái chạn bếp