
Theo đó, bệnh nhân nam, 57 tuổi, ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) đang đi trên đường vào ngày 8/2/2025, bất ngờ con chó của 1 người trú cùng xóm lao ra cắn vào chân phải, với vết thương sâu vừa, có chảy ít máu. Sau khi bị cắn, bệnh nhân chỉ rửa vết thương bằng nước lạnh tại nhà, không thực hiện các bước xử trí y tế cần thiết và không tiêm vắc xin phòng dại hay huyết thanh kháng dại.
Đến ngày 9/4/2025, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau họng, không sốt, không nôn ói, chưa có biểu hiện sợ nước và cũng chưa dùng thuốc điều trị. Vào ngày 10/4, tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn, chẳng hạn mệt nhiều, kích động, khó thở, sợ nước, sợ gió, nghẹn và khó nuốt. Người nhà gọi xe cấp cứu miễn phí để đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Qua thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bị chó cắn không điều trị dự phòng, các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Ngày 11/4/2025, sau khi được bệnh viện giải thích về tình trạng, tiên lượng bệnh, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Qua điều tra xác minh, gia đình không ghi nhận có trường hợp nào bị chó, mèo cắn. Con chó cắn bệnh nhân, còn cắn thêm 3 người nữa. Cả 3 người này đều đã đến cơ sở y tế, được tiêm đầy đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Trong những trường hợp này, cần xử lý vết thương đúng cách và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại cũng như huyết thanh kháng dại nhằm phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.