Cụ thể, ngày 9/2/2025, bệnh nhân là nam giới, 36 tuổi, tại xã Gia An đang ngồi nghỉ uống nước tại nghĩa trang thôn 1, xã Gia An thì bị một con mèo hoang hơn 1kg cắn vào bắp chân trái. Vết thương nông, có chảy máu nhẹ. Sau khi bị cắn, bệnh nhân không đến cơ sở y tế để xử lý vết thương, không tiêm vắc xin ngừa dại và cũng không được tiêm huyết thanh kháng dại.

Đến ngày 3/4/2025, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, đau bụng nhưng không sử dụng thuốc điều trị. Sáng 4/4/2025, tình trạng bệnh trở nặng với các biểu hiện sợ gió, khó thở, co giật được người nhà đưa đến phòng khám tư nhân; với xét nghiệm và chẩn đoán nghi mắc bệnh dại, kê đơn thuốc (không rõ loại). Cùng ngày, bệnh nhân sợ gió, khó thở, co giật nên được người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được chăm sóc, chẩn đoán nghi dại, lấy mẫu xét nghiệm và được tư vấn về tình trạng nguy kịch. Sau đó, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Chẩn đoán ra viện là nghi dại, với kết quả xét nghiệm mẫu nước bọt bằng phương pháp PCR thì dương tính vi rút dại. Bệnh nhân đã tử vong tại nhà ngày 5/4/2025.
Qua điều tra xác minh tại gia đình, thì không ghi nhận có trường hợp nào bị chó, mèo cắn. Mèo hoang, bị liệt 2 chân sau, cắn 2 người gồm bệnh nhân và ông H.V.P. (cắn vào lòng bàn tay 1 vết xước nhẹ, có chảy máu). Ông P. xử lý rửa vết thương bằng nước muối, đã tiêm 3 liều vắc xin phòng dại, 1 liều vắc xin uốn ván.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở, người dân đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam hoặc áp dụng các phương pháp dân gian không có cơ sở khoa học. Bởi bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, 100% người phát bệnh đều tử vong. Tiêm vắc xin là biện pháp duy nhất phòng ngừa bệnh dại.