Theo ghi nhận trong khoảng 1-2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có xu hướng tăng so với giai đoạn trước. Trong số này, nhiều trường hợp có diễn biến nặng.
Khoa Hồi sức tích cực gần kín giường
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết cơ sở y tế này đang điều trị cho khoảng 70 F0.
Trong số này, các bệnh nhân nặng được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, những bệnh nhân ở mức độ trung bình sẽ được điều trị tại khoa Virus - Ký sinh trùng. Bệnh viện cũng đã thiết lập đơn nguyên điều trị Covid-19 tách biệt với khu điều trị bệnh nhân thông thường.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Việt Linh. |
Một điểm đáng chú ý là hiện tại, khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng gần như kín giường.
"Khoa Hồi sức tích cực hiện có 25 bệnh nhân. Trong số này, đa phần bệnh nhân đều phải can thiệp thở máy, HFNC, thở oxy mask với liều lượng oxy cao. Hầu hết bệnh nhân là người lớn tuổi và/hoặc có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh tim mạch, HIV", bác sĩ Phúc thông tin.
Cũng theo ông, đối với các F0 có bệnh nền hoặc cao tuổi, khi mắc Covid-19, bệnh nhân thường sẽ diễn biến rất nhanh. Việc can thiệp điều trị với các trường hợp này do đó rất khó khăn vì liên quan đến bệnh nền.
Nguyên nhân
Lý giải về việc số lượng bệnh nhân Covid-19 vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gia tăng nhanh trong thời gian gần đây, bác sĩ Phúc cho rằng có thể đến từ 2 nguyên nhân chính:
- Các đơn nguyên điều trị Covid-19 ở bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng đóng cửa. Do đó, các bệnh nhân được chuyển trực tiếp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- Thời gian tiêm mũi 3 đã qua khoảng 6 tháng. Lúc này, kháng thể do vaccine cung cấp đã giảm xuống. Do đó, người dân có nguy cơ tái nhiễm và nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh cao.
Liên quan vấn đề vaccine, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại cơ sở này, có một nhóm người không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine.
Ông nhận định nhóm này có tỷ lệ diễn biến nặng cao hơn so với những người tiêm vaccine đầy đủ. Đối với Covid-19 nói riêng và các loại virus corona nói chung, chúng thường có đặc điểm là sức đề kháng không bền.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo. |
“Do đó, sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine qua một thời gian nhất định, kháng thể sẽ giảm đi và có nguy cơ tái nhiễm trở lại cao”, bác sĩ Cấp nói.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc thông tin thêm thời gian tiêm mũi 3 của đại bộ phận người dân đến lúc này đã quá 6 tháng. Do đó, việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 có ý nghĩa rất quan trọng để bổ sung lá chắn trước dịch bệnh.
Việc tiêm vaccine nhắc lại đúng kỳ hạn đặc biệt quan trọng với những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.
Bác sĩ này cũng chia sẻ một nghiên cứu thực hiện tại Israel với trên 182.122 đối tượng là người trên 60 tuổi đã cho thấy hiệu quả của mũi nhắc lại lần 2 so với mũi nhắc lại lần một là đáng kể.
Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở nhóm tiêm mũi nhắc lại lần 2 tăng 45%, hiệu quả chống lại mắc Covid-19 có triệu chứng tăng 55%, hiệu quả chống lại mắc Covid-19 ở mức độ nặng tăng 68%, hiệu quả giảm nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 tăng 74%.
Với nguyên nhân trên, vaccine tiếp tục được đánh giá là yếu tố rất quan trọng trong việc phòng mắc và giảm nguy cơ tử vong đối với Covid-19, nhất là trong bối cảnh SARS-CoV-2 xuất hiện biến chủng mới BA.4, BA.5.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, mọi người dân đủ điều kiện tiêm chủng đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội đều có thể đến trạm y tế xã, phường nơi mình sinh sống để được hướng dẫn đăng ký tiêm mũi nhắc lại lần 2 vaccine Covid-19.