Bước ngoặt của thanh long

25/02/2022, 06:09

1. Ngay khi những thông tin không hay từ phía các cửa khẩu phía Bắc liên tục ập đến, với nội dung “tạm ngừng thông quan”, “xe container ùn ứ”, thì thanh long vụ nghịch ở Bình Thuận vẫn neo đỏ cành.

Những nông dân mấy chục năm sống bằng nghề trồng thanh long, đã từng có của ăn của để nhờ thanh long, nay lại rơi vào trạng thái hụt hẫng, khó khăn. Giá thanh long vụ nghịch đang chạm đáy, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư xấp xỉ 10.000 đồng/ kg. Liên tục trong nhiều tháng qua, mỗi pha chong điện, bán thanh long đều không thể thu lại vốn. Nhưng hầu hết người trồng thanh long vẫn tiếp tục vòng quay đầu tư- thua lỗ ấy. Không ít nông dân khi gặp tôi đã cảm thán rằng: “Vốn sống bằng nghề này, nay không tiếp tục chăm sóc thanh long thì biết làm gì?

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thực địa tại Bình Thuận.

Đối với Bình Thuận, trong nhiều năm qua, thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh. Trong đó, sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với hơn 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long. Qua đó, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70.000 – 80.000 lao động. Giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn trái. Tổng doanh thu bình quân đạt 350 - 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 150 - 170 triệu đồng/ ha/năm. Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, đến nay diện tích thanh long toàn tỉnh gần 34.000 ha, với sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thực tế thanh long chủ yếu được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu. Trong khi đó, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc đã liên tục thông báo tạm dừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh. Chính sự kéo dài ùn ứ này đã tạo ra khó khăn dây chuyền, từ doanh nghiệp đến nông dân sản xuất, khi hàng hóa không thể thông quan, giá cả sụt giảm, “thừa cung, thiếu cầu”.

2. Trong bối cảnh khó khăn ấy, cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu, đã có chuyến thực địa, làm việc tại Bình Thuận để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ thanh long. Chia sẻ với bộ trưởng, đại diện Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu nêu thực tế: Hiện nay Trung Quốc đã trồng thanh long với diện tích lớn, sản lượng nhiều đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thanh long của tỉnh. Vì thế, nếu không ách tắc do dịch Covid-19, có thể giá bán sang thị trường này sẽ thấp. Chính vì vậy, để giảm lệ thuộc, chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách xuất sang thị trường khác, đồng thời cần cắt giảm lại diện tích để giảm áp lực về tiêu thụ.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, lâu nay chúng ta đang tiếp cận theo kiểu tư duy cũ, sản xuất thiên về sản lượng mà chưa thực sự chú trọng đến thị trường. Bộ trưởng nhắc lại thực tế của nông dân Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng còn “sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết”. Khi chúng ta chỉ chuyển đổi cây trồng, sẽ kéo theo rủi ro từ ngành hàng này qua ngành hàng khác. Có thể là chuyển đổi rủi ro từ lúa sang thanh long, hay trồng xoài… nếu chúng ta không tổ chức lại sản xuất. Theo Bộ trưởng Hoan, nông dân đang chịu tác động của “3 biến”, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Điều quan trọng là chúng ta có hiệp lực, liên kết với nhau để vượt qua? Do đó, các địa phương cần một cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất ngay từ cấp xã, không để phát triển sản xuất theo kiểu tự phát… Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Trồng trọt phối hợp với tỉnh và các vùng trồng thanh long khác khẩn trương tổ chức phân tích thị trường, hiểu rõ về thị trường xuất khẩu, thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất…

Tỉnh Bình Thuận cũng đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới là vận động, kêu gọi các cơ sở tăng cường thu mua để lưu kho, tiêu thụ nội địa. Đồng thời, xuất khẩu qua các đường khác để giúp nông dân tiêu thụ thanh long với giá hợp lý. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nông sản. Tích cực triển khai các giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long. Song song, đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA)… Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến, góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi. Một trong những giải pháp quan trọng, đó là liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch…

Bằng sự đồng tâm, hiệp lực, tạo bước ngoặt chuyển đổi tư duy sản xuất, nông nghiệp của tỉnh nói chung và thanh long nói riêng sẽ mở ra một con đường mới, theo hướng hiện đại, bền vững trong tương lai.

KIỀU HẰNG

Related articles
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Bình Thuận
Theo khảo sát, tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực có nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Việt Nam, hiện đang thu hút nhiều dự án điện gió ngoài khơi với quy mô đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Trong đó nổi bật là Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có tổng công suất 3,5GW với vốn đầu tư ước tính 10,5 tỷ USD.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước ngoặt của thanh long