Bộ sưu tập đèn măng - xông độc, lạ của anh Thuận

25/11/2022, 14:53

Xuất thân từ xóm biển Bình Hưng (TP. Phan Thiết) và gắn bó với công việc sửa chữa những chiếc đèn phục vụ nghề câu mực, cộng thêm niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, anh Nguyễn Thuận (54 tuổi) hiện đang sở hữu một bộ sưu tập rất độc và lạ: đèn măng - xông.

Chiếc đèn gắn với nghề biển

Hầu hết người dân làm biển ở thành phố Phan Thiết nói riêng, các địa phương có nghề biển ở Bình Thuận nói chung đều rất quen thuộc với đèn măng-xông (manchon). Ngày trước, khi đèn điện chưa có, ngư dân chủ yếu dùng đèn măng-xông để chong đèn đánh bắt hải sản, trong đó phổ biến nhất là dùng trong nghề mành chà và câu mực. Theo anh Thuận, dù thời điểm đó một chiếc đèn có giá bằng mấy chỉ vàng nhưng ghe nào cũng có vài chiếc khi đi biển vì giúp ích rất nhiều trong công việc. Đó là chưa kể sau những chuyến biển, đèn còn phục vụ chiếu sáng nhà cửa, hàng quán, thôn xóm.

anh-thuan-1.jpg

Đèn măng-xông có tuổi đời đã hơn trăm năm và chủ yếu phục vụ cho ngành hàng hải. Với ưu điểm hoạt động theo nguyên lý bốc hơi nhiên liệu (dầu hỏa, hơi ga) phát sáng mạnh hơn 6 lần so với các loại đèn dầu khác nên được dùng thắp sáng trên tàu, phao tiêu, thậm chí hải đăng. Từ các quốc gia sử dụng phổ biến ở phương Tây, đèn măng-xông du nhập vào Việt Nam khoảng 70 năm trước. Rất nhanh chóng, người Việt tiếp nhận ngay vì sự tiện lợi, ánh sáng mạnh và ít hao nhiên liệu hơn để thắp sáng trong sinh hoạt và nhất là phục vụ... nghề biển của ngư dân.

Anh Thuận kể, lúc nhỏ anh có tính hiếu động và rất ham học hỏi. Hàng ngày, để ý thấy nhà bên cạnh có người thợ lớn tuổi làm nghề sửa chữa đèn măng-xông lúc nào cũng tất bật với công việc, có khi đến tối vẫn có người đem đến sửa. Đến một ngày, khi gia đình có mấy chiếc đèn cần sửa gấp mà người thợ bên cạnh còn nhiều việc, anh quyết định sang hàng xóm xin học nghề với mong muốn phụ giúp công việc cho thầy và có thể giúp gia đình sửa đèn. Từ học nghề, làm nghề anh dần mê luôn chiếc đèn có nhiều điều thú vị từ tên gọi “tây”, hình dáng lạ mắt cho đến các chi tiết, phụ tùng dùng để thay mới...

tat-ca-den-van-thap-sang.jpeg

Theo thời gian, anh Thuận thành thợ sửa đèn măng-xông có tay nghề và hiếm hoi ở thành phố Phan Thiết. Rồi khi đèn măng-xông được các ngư dân dần dần thay thế bằng đèn điện để khai thác hải sản... thì các cửa hàng kinh doanh đèn măng-xông và linh kiện thay thế ở các làng biển cũng như trên địa bàn Phan Thiết ngừng mua bán mặt hàng này. Để có phụ tùng phục vụ công việc cũng như thỏa niềm vui anh Thuận mua lại hầu hết đèn măng-xông, phụ tùng và linh kiện tại các cửa hàng đó.

mot-goc-bo-suu-tap.jpg

Bộ sưu tập của niềm vui

Càng sưu tập, anh càng mê. Ngoài thời gian cho việc mưu sinh anh đều dành công sức và cả tiền bạc cho niềm đam mê của mình. Thế là, từ biển anh ngược lên miền quê Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam để “săn” cho được những chiếc đèn của một thời... không có điện đang được cất giữ.

Theo hướng dẫn của anh Thuận, từ đường Cao Thắng, tôi rẽ vào con hẻm nhỏ số 2 (khu phố 4, phường Bình Hưng), đi thêm khoảng 100m là đến nhà anh. Hơn cả sự tưởng tượng của tôi về những chiếc đèn cũ từng nghe anh kể, tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên về bộ sưu tập đèn măng-xông khi bước vào nhà anh Thuận. Đó là ngôi nhà một trệt, một lầu với phòng khách diện tích khoảng 40 m2 có hàng trăm chiếc đèn măng-xông treo, trưng bày ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất. Anh Thuận khéo léo sắp đặt bộ sưu tập theo từng quốc gia sản xuất (Đức, Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam) và theo “tuổi thọ” của đèn để dễ tham quan. Anh rất vui khi giới thiệu cho tôi những chiếc đèn cũ gần 100 tuổi, những thương hiệu đèn nổi tiếng một thời như Aida (Đức), Coleman (Mỹ), Petromax (Đức) qua hình ảnh logo chạm khắc trên chân đèn còn rõ. Anh Thuận “bật mí” thêm: “Do đang sở hữu nhiều thiết bị, phụ tùng thay thế nên không chỉ sửa chữa và làm mới cho bộ sưu tập của mình mà tôi còn là người thợ duy nhất ở Phan Thiết có thể sửa và thay mới tất cả đèn măng-xông cho mọi người có nhu cầu”.

Theo lời anh Thuận, thời gian gần đây, có nhiều người “hoài cổ” thỉnh thoảng liên lạc với anh để hỏi mua đèn dầu cổ để sưu tập, để trang trí nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, resort... Hiện anh Thuận cũng thường xuyên trao đổi và bán đèn măng-xông qua mạng cho một số người có nhu cầu ở Bình Thuận và một số tỉnh, thành bạn. Ngoài ra, với mong muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người, vào dịp tết cổ truyền, anh Thuận còn chọn một số đèn đẹp đem ra trưng bày tại chợ tết Phan Thiết (khu vực đường Cao Thắng) để phục vụ nhu cầu sưu tầm và tìm hiểu về đèn măng-xông của người dân và du khách. Không chỉ được khám phá những chiếc đèn cổ độc đáo, ngắm nhìn ánh sáng lung linh đặc trưng của những chiếc đèn dầu cổ, mà có thể còn được nghe anh Thuận kể nhiều câu chuyện thú vị về những chiếc đèn dầu một thời gắn bó với nghề biển Phan Thiết.

NGUYÊN VŨ

Related articles
Cơ thủ Thanh Phi đoạt Cup BBSF – Carom 3 băng
Chiều 24/11, Giải Billiards Carom 3 băng - Cup BBSF lần thứ I năm 2022, tại CLB Billiards 86 Luxury, đã khép lại với các trận bán kết và chung kết. Ban tổ chức cũng đã trao giải thưởng cho các cơ thủ. Ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL đã đến dự.

(2) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ sưu tập đèn măng - xông độc, lạ của anh Thuận