Cụ thể, có 4 mã số vùng trồng xuất khẩu đầu tiên được phê duyệt sang Trung Quốc đều tập trung ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc với tổng diện tích 48,6 ha. Bao gồm các mã vùng trồng Thiên Hưng Thịnh; Thiên Hưng Thịnh 01 ở thôn 1, 2,4, do bà Lê Thị Nga là người đại diện; Linh Đan 01 ở thôn Suối Đá, thôn 1, 2,3,4 do bà Trần Thị Hoàng Yến làm người đại diện và Công ty TNHH XNK nông sản Nam Quang ở thôn 1, 3,4 do bà Phạm Thị Xinh là người đại diện. Ngoài 4 vùng trồng, thêm 1 CSĐG là Công ty TNHH XNK Nông sản Nam Quang cũng là doanh nghiệp được phê duyệt, đóng trên địa bàn xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, với diện tích 1.200 m².
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, để việc xuất khẩu quả dừa tươi sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững và không ảnh hưởng đến uy tín quả dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam, Cục BVTV đã có công văn đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận thông báo bằng văn bản cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói có mã số đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thực hiện công tác quản lý, giám sát theo quy định.
Trước đó, vào tháng 9/2024 Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã phối hợp với Cục BVTV tổ chức thực hiện kiểm tra trực tuyến các vùng trồng, CSĐG xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tất cả các vùng trồng và CSĐG dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT; được cả Tổng Cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, đến nay toàn tỉnh có 674 mã vùng trồng và 283 CSĐG đang hoạt động đối với các loại cây như thanh long, sầu riêng, bưởi…