Là chuyện của hơn 20 năm về trước, khi cô Út ra đời lại là con gái, trong những cuộc nhậu, gặp gỡ bạn bè, hàng xóm lại tự phong chức “ông nội”, “ông ngoại” cho nhau. Người thì nói đẻ toàn con gái thì sau chết đi ai thờ cúng, người thì cho rằng đẻ con gái xong nó lấy chồng là thành “công cốc”…
Dù sau những cuộc vui có thoáng chút suy nghĩ và buồn, nhưng nhìn hoàn cảnh thực tại, vợ vẫn phải chạy chợ hằng ngày, công việc ở xưởng cơ khí của ông cũng không dư dả, khi bây giờ trong nhà có thêm một thành viên. Ông quyết rồi, dừng lại ở đứa thứ ba này thôi.

Theo tháng năm, đến nay, cả 3 cô con gái của ông đều đã lớn, lập gia đình riêng và ở gần ba mẹ. Niềm vui nhân lên khi cả 3 chàng rể đều hiếu thuận nên gia đình như có thêm 3 người con trai vậy. Nhìn các con, các cháu kéo về nhà mỗi cuối tuần, chúng bày ra đủ thứ đồ ăn, thức uống và tự giác dọn dẹp các công việc như những ngày còn bé, ông bà mỉm cười hạnh phúc. Ông quay sang bà, tự trách mình vì ngày xưa vẫn từng có ý nghĩ gia đình nên có một đứa con trai đỡ đần. Thật may khi đó bà không bị sự bất bình đẳng giới chi phối để rồi sao nhãng việc vun vén, nuôi dạy các con. Đứa nào cũng được yêu thương công bằng, được học nghề đầy đủ nên dù chưa giàu sang nhưng đều có việc làm ổn định, con nào cũng hiếu thuận, mọi thứ trong nhà ba mẹ chúng đều lo tươm tất. Ngay như việc ông bà mới cảm sốt, đau nhức hay đơn giản có đồ ăn ngon thì chúng đã chạy sang chăm sóc…
Đến thế hệ thứ ba là những đứa cháu trong nhà gái cũng nhiều hơn trai. Ông vẫn thường tự hào nói với những người bạn già, mỗi đứa trẻ là một món quà của tạo hóa ban tặng cho gia đình. Vì thế, không phải là việc sinh con trai hay con gái mới hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là niềm vui và tiếng cười của mỗi thành viên trong gia đình; là việc nuôi dạy, giáo dục con cái như thế nào để trở thành người có ích cho xã hội. Bởi gia đình chính là chỗ dựa tinh thần giúp mọi người trưởng thành. Gia đình hạnh phúc, lành mạnh mới giúp xã hội phát triển vững mạnh.