Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh

29/09/2023, 06:26

Số người mắc bệnh đau mắt đỏ gia tăng đột biến, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Vì vậy, ý thức phòng bệnh, đến bác sĩ để được điều trị đúng cách là những yếu tố cần thiết.

kham-mat-1.jpg
Khám bệnh lý về mắt

Xấp xỉ 10.000 ca mắc

Khoa mắt ở các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực tiếp nhiều bệnh nhân để khám, điều trị bệnh về mắt. Trong số đó, nhiều người sưng đỏ 1 mắt, hoặc cả hai mắt đều đỏ, thậm chí phải đeo kính râm để hạn chế ánh sáng gây khó chịu cho mắt.

Tính từ đầu tháng 8/2023 đến nay, thông qua thăm khám các bệnh về mắt, khoa Mắt của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận ghi nhận hơn 800 ca đau mắt đỏ; trong đó, số bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên mắc bệnh này chiếm khoảng 2/3. Đáng chú ý, không ít trường hợp bệnh có triệu chứng nặng, bội nhiễm được điều trị kịp thời. Bệnh viện An Phước tiếp nhận 1.252 ca bệnh này. Các huyện có số ca mắc cao gồm Hàm Thuận Bắc 2.652 ca. Đức Linh 1348 ca, Hàm Thuận Nam 834 ca, Tuy Phong 759 ca.

Bác sĩ Trần Xuân Linh – Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Số ca đau mắt đỏ xuất hiện khoảng 3 tuần gần đây, bệnh lây khá nhanh; thời gian trước đó không có ca mắc. Lứa tuổi mầm non, học sinh ở các trường hợp chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao.

Tổng số ca mắc bệnh đau mắt đỏ trên toàn tỉnh từ 1/8 - 18/9/2023 là 4. 405 ca, từ 19/9 đến nay tăng thêm 5.532 ca; lũy tích số ca mắc 9.937 ca. Thông qua số liệu cho thấy, số người mắc bệnh đau mắt đỏ gia tăng đột biến trong những ngày gần đây, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, phân bố 9/10 huyện, thị. Riêng huyện đảo Phú Quý chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào về bệnh này.

Thực hiện phòng bệnh

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn - dùng tay dụi vào mắt hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Bên cạnh chỉ đạo về công tác điều trị và dự phòng nhằm hạn chế số mắc trong thời gian tới, Bộ Y tế vừa yêu cầu y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, không để diễn ra tình trạng thiếu thuốc. Đặc biệt, cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời, đúng cách khi mắc bệnh. Đây là các yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân có thể hạn chế các ảnh hưởng do bệnh đau mắt đỏ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

TRANG MINH

Related articles
Bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng
Mặc dù, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chưa có số liệu thống kê đầy đủ số người bệnh đau mắt đỏ, nhưng số người được khám, điều trị có chiều hướng gia tăng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh