Bảo tồn tài nguyên biển
Khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha (trong đó diện tích biển là 12.360 ha). Hiện nay công tác tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong khu bảo tồn biển được Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Hòn Cau phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện, góp phần bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học biển trong khu bảo tồn biển.
Đơn cử, thông qua thu thập dữ liệu về rùa biển và bảo vệ bãi đẻ và cứu hộ rùa biển, từ năm 2018 đến nay đã có 21 ổ trứng rùa, với 1.939 trứng được phát hiện, bảo vệ và di dời về bãi ấp an toàn. Ngoài ra, có 1.622 cá thể rùa con đã được thả về biển, cứu hộ và thả 17 cá thể rùa biển. Cùng với đó, thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong khu bảo tồn biển như sử dụng ngư cụ cấm khai thác trong khu bảo tồn biển; khai thác, mua bán trái phép san hô dọc theo quốc lộ 1A (đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Ninh Thuận). Song song bảo tồn tài nguyên biển, theo thống kê sơ bộ số lượng khách đến tham quan, du lịch tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng từ 5.000 - 5.500 du khách/năm. BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phối hợp tham gia một số hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động du lịch sinh thái, bảo tồn biển tại đây.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, những kết quả đạt được đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển. Đồng thời, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển, chưa chấm dứt triệt để. Hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển chưa được thực hiện thường xuyên. Mặt khác, hiện nay BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ mới tập trung bảo vệ và giữ gìn hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực và bảo vệ môi trường. Đơn vị vẫn chưa thực hiện công tác trồng mới, thả rạn nhân tạo hay khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh các loài thủy sản quý hiếm, các hệ sinh thái biển.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Một trong những nguyên nhân tồn tại là nguồn lực đầu tư cho khu bảo tồn biển còn hạn chế, nên một số hoạt động phục vụ công tác bảo tồn, chương trình phục hồi hệ sinh thái biển chưa triển khai thường xuyên. Việc tiếp cận các nguồn tài trợ cho công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh, ý thức chấp hành pháp luật của một số ngư dân chưa cao, còn cố tình vi phạm quy định trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đáng chú ý, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động cảng biển, phát triển du lịch nếu không được kiểm soát tốt sẽ tác động ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái trong các khu bảo tồn biển…
Theo UBND tỉnh, để quản lý hiệu quả, mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, ven biển, cần giải pháp về thể chế, chính sách. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo tồn biển. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, cần đưa các nội dung về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào chương trình đào tạo, học ngoại khóa của các trường học, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo, mua bán các loài thủy sản hoặc sản phẩm của loài thủy sản nguy cấp quý hiếm tại các cơ sở buôn bán, trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử để tăng tính nghiêm minh của pháp luật. Thành lập, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào các tổ cộng đồng về khai thác, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh du lịch để chung tay, góp sức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển…