
Nhằm đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, từ nhiều năm nay, Hội LHPN huyện đã tích cực triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Đồng thời, Hội hướng dẫn các hội cơ sở rà soát thu thập thông tin, nắm số lượng hội viên, phụ nữ (HVPN) có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chị em để hỗ trợ phù hợp.

Bà Khuất Thị Lan Phương – Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Bình cho biết: Công tác tuyên truyền về các dự án, chương trình của Hội liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chính sách hỗ trợ được đẩy mạnh. Cùng với đó là việc nêu gương HVPN khởi nghiệp thành công trên các kênh thông tin, tuyên truyền của Hội, mạng xã hội, báo, đài, nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong HVPN, nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng… Nhờ vậy từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và ý chí quyết tâm của phụ nữ. Không những thế, chị em hiểu sâu kỹ các nội dung và nâng cao trình độ tham gia vào nền kinh tế số, xây dựng các kênh bán hàng online.

Rõ nhất là tấm gương khởi nghiệp của chị Phan Cao Hồng Cẩm (thị trấn Lương Sơn). Khi thanh long không còn mang lại hiệu quả kinh tế, chị đã chuyển sang hướng sản xuất mới là trồng tre tứ quý. Dù cây trồng này còn xa lạ với cách làm nông trước đây, nhưng nhờ kiên trì bám đất, chăm cây, chịu khó tiếp thu kỹ thuật, cây đã không phụ công người. Sau 3 năm, các sản phẩm từ măng, cây giống đến thân cây già, tre bonsai đều tìm được chỗ đứng trên thị trường và mang lại kinh tế ổn định cho gia đình.

Chính từ những hội thi, tuyên truyền ở cấp cơ sở đã tạo động lực để HVPN tự tin bứt phá khỏi “vùng an toàn”, khai thác lợi thế từ gia đình, vùng đất vươn lên. Đây cũng là bước đệm để năm 2025, Hội LHPN huyện Bắc Bình tiếp tục ban hành kế hoạch yêu cầu 18 xã, thị trấn tổ chức khảo sát và sàng lọc ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời chọn lựa gửi từ 2 đến 3 ý tưởng có tính khả thi trong thực hiện về huyện Hội. Nhờ có sự chủ động, nắm chắc địa bàn, giữa tháng 4, Hội LHPN huyện đã tổ chức thành công hội thi Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp. Cụ thể 18 địa phương chia thành các cụm thi đua trưng bày những sản phẩm đặc trưng, nổi bật như măng rừng, bánh tráng truyền thống, ổi sạch, dừa dứa, chuối sáp, cơm sấy, vịt dầm, cơm gà, chả giò, lagu...
Mỗi người một ý tưởng, một cách khởi nghiệp khác nhau, nhưng đều hướng đến mục đích làm giàu cho bản thân, góp sức xây dựng kinh tế - xã hội địa phương và khẳng định vị thế trong xã hội. Đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp còn tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thực tế bước ra ngoài hội thi, nhiều ý tưởng đã được hiện thực hóa, trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, được nhân rộng tại địa phương. Đây là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện tài năng, trí tuệ, năng lực của phụ nữ trong thời đại mới.