Sau 4 đêm diễn, phần công bố trao giải sẽ diễn ra vào tối 31/12 tại khuôn viên Nhà hát và Triển lãm Nghệ thuật tỉnh. Phải thừa nhận lần trở lại của hội diễn lần này cho thấy mức độ đầu tư, sự nỗ lực của tập thể diễn viên nghệ sĩ, từ những ngành nghề khác nhau, nhưng đã chung sức tạo nên sân chơi ý nghĩa. Trong đó đoàn Phan Thiết mang đến cho hội diễn là một câu chuyện kể kết hợp giữ truyền thống và hiện đại, giúp người xem nhận ra một Phan Thiết nhiều màu sắc lễ hội, với nhiều sự tinh tế trong việc dàn dựng bằng cách dẫn chuyện hóm hỉnh, nhưng cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cách sống của bộ phận thế hệ GenZ đang chạy theo những điều mới mẻ mà xem nhẹ giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi tạo nên cội nguồn dân tộc. 5 tiết mục của Phan Thiết là một dòng chảy theo mạch cảm xúc, hoành tráng và gọn gàng. Hồn đất và tình người hòa chung trong dòng chảy của thời đại như nhắc nhở chúng ta luôn khắc ghi trong tiềm thức về cội nguồn dân tộc.
Nếu Phan Thiết “khai hội” bằng chương trình có thể nói tạo dấu ấn cho hội diễn, thì các đơn vị cũng không hề kém cạnh trong việc đầu tư và dàn dựng. Ở đó có những điều mới mẻ, mãn nhãn, huy động toàn bộ lực lượng diễn viên như Hàm Thuận Bắc trong các tiết mục múa “Ngọc trong nước” mang đặc thù của địa phương qua bàn tay dàn dựng của các biên đạo bỗng trở nên mềm mại, nhẹ nhàng như mạch sống ở địa phương. Sự hoành tráng còn thể hiện khi các đoàn nghệ thuật của lực lượng vũ trang Bộ Chỉ huy Quân sự, lực lượng công an khiến khán giả mãn nhãn. “Lâu rồi mới được xem chương trình nghệ thuật đúng nghĩa vừa hay vừa đẹp, xem thích quá. Chị thích nhất mấy bạn trẻ trong các tiết mục múa, rất chuyên nghiệp và dễ thương vô cùng” – khán giả Cát Tường cho hay.
Hội diễn là hoạt động văn hóa nghệ thuật dành cho lực lượng không chuyên trên địa bàn toàn tỉnh. Hội diễn lần này đã quy tụ được 17 đoàn đến từ các sở, ngành và 10 huyện, thị xã, thành phố tham gia, với gần 800 người là đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, diễn viên ca, múa, kịch và các hình thức nghệ thuât khác như: Độc tấu, song tấu, hòa tấu, nhạc cụ, tấu nói, ca cổ, ngâm thơ, cải lương…
Ở hội diễn lần này, Phú Quý, Công an tỉnh cũng đem đến sự “độc lạ” khi mang đến hội diễn bằng trích đoạn cải lương “Tình sử Công chúa Bàn Tranh” (Phú Quý), tân cổ “Khắc ghi lời Bác” (Công an tỉnh) để đánh dấu những ngày đầu khai thiên lập địa của vùng biển đảo tiền tiêu, nhưng tình người, tình quê hương gắn bó. Việc có nhiều màu sắc trong hội diễn không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà còn tạo nên sự khác biệt.
“Những ngày qua, chị đều tranh thủ thời gian đi xem, nói thật có nhiều tiết mục hay nhưng cũng có những đơn vị chuẩn bị chương trình còn chưa kỹ lưỡng, hời hợt trong dàn dựng, lời thoại trong kịch còn cứng nhắc và nhiều khi mang đến cảm giác trả bài nên ít nhiều không tạo được cảm xúc cho người xem. Nhưng nhìn chung, tổng thể cho thấy hội diễn rất hoành tráng, mang tính chuyên nghiệp” – khán giả Ngọc Vân cho biết.
“Hội diễn là dịp để giao lưu, học hỏi, phát triển chuyên môn trong công tác biên tập, dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật. Qua đó, góp phần định hướng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương, phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung lực lượng văn nghệ không chuyên ở các cơ sở. Đồng thời đánh dấu sự trở lại của sân chơi nghệ thuật không chuyên sau thời gian bị gián đoạn. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục mang lại một hành trình nghệ thuật gần gũi hơn với công chúng” - Trưởng Ban tổ chức Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.