10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: Bình Thuận đạt nhiều kết quả quan trọng

17/07/2023, 05:19

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cùng với cả nước, Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo sau 10 năm nghiêm túc triển khai tinh thần Nghị quyết.

hoi-nghi.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại hội nghị.

Kết quả và hạn chế…

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW) và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo; sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành và toàn xã hội đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo; cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ hơn trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng; thường xuyên rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đa số đều tâm huyết với nghề, chủ động trong công tác, sáng tạo, cần cù, chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực công tác; nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đổi mới các khâu trong công tác giáo dục được tập trung thực hiện, nhất là việc quản lý chương trình, kế hoạch giáo dục theo sự phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nhân điển hình người tốt, việc tốt”, nhất là cuộc vận động “Mỗi cán bộ giáo dục, giáo viên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Chất lượng học lực, hạnh kiểm và các hoạt động giáo dục khác của học sinh cơ bản ổn định; đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm túc yêu cầu về dạy học theo chuẩn kiến thức - kỹ năng; hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên. Công tác giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, nghề nghiệp được thực hiện tốt. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Việc phối hợp với các cơ sở đào tạo để tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh lớp 12 tiếp tục được duy trì. Thực hiện tốt chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học trong nhà trường… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW chưa sát với thực tiễn của địa phương, chưa tạo được sự đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường trung học cơ sở, nên khó khăn cho việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới. Trình độ của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa tương xứng với chất lượng, hiệu quả thực tế. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; việc tự học, tự rèn để vươn lên chưa cao; ý thức tự bồi dưỡng chưa rõ nét, chưa tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Chất lượng học tập của học sinh được cải thiện nhưng chưa cao; tỷ lệ bỏ học vẫn còn, nhất là ở bậc THPT. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong tỉnh còn thiếu một số ngành, nghề góp phần đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Chưa có chính sách khả thi, chưa có môi trường hấp dẫn để thu hút được sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, giảng viên giỏi, nhà khoa học uy tín về tỉnh công tác và làm việc…

Để thực hiện tốt hơn

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 29-NQ/TW là chủ trương lớn, nhất thiết phải thực hiện liên tục, thường xuyên trong những năm tiếp theo. Đồng thời để công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo thành công phải có được sự đồng thuận và chung tay góp sức của xã hội. Do vậy, yêu cầu đầu tiên là các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo. Công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành cần bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, song hành với các hoạt động giáo dục để tạo sự đồng thuận của xã hội. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, cần coi công tác xã hội hóa giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước với nhiều hình thức phù hợp để đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo. Quan tâm, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên; có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh tra và trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác quản lý giáo dục trên địa bàn; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, việc xây dựng kỷ cương trong các trường học. Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo; nâng cao đạo đức nghề nghiệp; rà soát và từng bước sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ bảo đảm hợp lý, đúng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo và chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ của ngành để ứng dụng tốt CNTT trong giảng dạy. Nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao phẩm chất đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

BẢO TÍN

Related articles
Kỷ niệm 10 năm tái lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận
BTO-“Nhiệm vụ công tác nội chính hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức, cá nhân và thường xuyên đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người. Điều đó đặt ra yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác nội chính” – Đó là đánh giá của đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 10 năm tái lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận, được tổ chức chiều 14/7.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: Bình Thuận đạt nhiều kết quả quan trọng