Xung quanh dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Nhiều câu hỏi đã được trả lời thẳng thắn, thấu đáo trong buổi họp báo

07/09/2023, 18:24

Trước thông tin phải đánh đổi hàng trăm ha đất rừng để thực hiện dự án hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, những ngày qua dư luận rất quan tâm và có nhiều thông tin trái chiều. Tại buổi họp báo chiều 7/9, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng đã trả lời thẳng thắn, cụ thể, trên tinh thần cầu thị nhiều câu hỏi mà cơ quan báo chí cũng như bạn đọc quan tâm xung quanh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Tại sao không chọn vị trí khác để làm hồ?

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, ở Bình Thuận, có người nói giữ nước như là giữ “hạt ngọc” cho dân. Người dân nơi đây quý nước như đồng bào dân tộc miền núi quý hạt muối. Với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng. Vị trí 600 ha đất rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, như lòng hồ có thể chứa 60 - 90 triệu m3, hay chỉ 30 - 40 triệu m3. Từ đó, tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước là 51 triệu m3”. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800 - 1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3.

dsc_5551.jpg
Đại diện đơn vị tư vấn trả lời. (ảnh: Đình Hòa)

Đơn vị tư vấn giải thích thêm, qua khảo sát chỉ có 2 vị trí có thể xây hồ chứa nước. Phương án vị trí 1: Có lưu vực sinh thủy lớn (136km2) nên nguồn nước dồi dào hơn nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh (đây là khu canh tác sản xuất chính của bà con), cầu Bà Bích và 3,5km đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh sẽ bị ngập trong lòng hồ. Do vậy cần làm đoạn đường tránh đi theo ven lòng hồ phía Đông có chiều dài khoảng 7,5km. Ngoài ra còn ngập khoảng 620 ha đất rừng (trong đó có khoảng 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Mặt khác, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì phải xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32 m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn. Qua so sánh, lựa chọn kỹ lưỡng và theo quy hoạch trước đây, thì vị trí hiện nay theo phương án 2 là khả quan hơn.

dsc_5548(2).jpg
Phóng viên VTV 9 hỏi tại buổi họp báo (ảnh: Đ. Hòa)

Theo quy hoạch, tỉnh sẽ xây thêm ít nhất 12 hồ thủy lợi để cấp nước cho dân, trong đó hồ La Ngà 3 dung tích lớn nhất tỉnh - 435 triệu m3. Hồ Ka Pét không chỉ cấp nước cho khu tưới mà còn phục vụ hệ thống nối mạng thủy lợi bổ sung nguồn nước  chủ động cho các công trình thủy lợi cho cả khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận.

Việc trồng rừng thay thế như thế nào?

Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đợt 1 cho dự án hồ chứa nước Ka Pét với diện tích là 434,22 ha. Việc trồng rừng thay thế của dự án được thực hiện trong diện tích quy hoạch rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo và đề nghị bổ sung một số khu vực khác để trồng rừng thay thế phù hợp, như mở rộng trồng rừng thay thế hơn 2.000 ha tại khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất. Nếu được Quốc hội cho phép, tỉnh Bình Thuận có thể triển khai trồng đồng thời trên diện rộng, rút ngắn thời gian hoàn thành việc trồng rừng thay thế của dự án và đồng bộ với tiến độ hoàn thành xây dựng công trình của dự án.

z4671657595357_8bb8108c59a4b4db18694852dec8f08e(1).jpg

UBND Bình Thuận cho biết, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là hơn 1.800 ha. Trong đó rừng đặc dụng là 137,95ha; rừng phòng hộ là 0,51ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha. Việc trồng thêm trên 1.800 ha rừng sẽ tăng độ che phủ cây xanh cho Bình Thuận.

dsc_5544.jpg
Các phóng viên đặt câu hỏi.

Tuy dự án có khai thác tận thu 137,95 ha rừng đặc dụng, nhưng đây là chủ trương lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa dân sinh, kinh tế - xã hội lớn, phục vụ đời sống cho hơn 120.000 người dân.  Quá trình triển khai thực hiện dự án, các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định về đánh giá tác động môi trường với phương châm “không đánh đổi môi trường để lấy việc phát triển kinh tế đơn thuần”. Cũng vì lý do nêu trên, quá trình lập dự án, tỉnh Bình Thuận đã rà soát kỹ lưỡng và đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt phương án giảm từ 160 ha rừng đặc dụng xuống còn 137,95 ha rừng đặc dụng.

Tại sao không cải tạo, kết nối các hồ chứa hiện có?

Với câu hỏi này, đơn vị chủ đầu tư giải thích, huyện Hàm Thuận Nam và khu vực lân cận hiện khai thác 100% công suất các công trình thủy lợi như Ba Bàu, Tà Mon, Tân Lập, nhưng chỉ tưới được khoảng 15% đất sản xuất nông nghiệp. Mùa khô hàng năm, ở vùng thiếu nước của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh chỉ đạo mỗi tháng chỉ tưới một lần cho hàng nghìn ha thanh long, mục tiêu để cây sống chứ không dám cho ra trái vì không đủ nước. Các công trình thủy lợi ở khu vực này hiện mới đáp ứng tưới khoảng 26% đất trồng cây hằng năm. Nếu chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp, khu vực này đang thiếu khoảng 100 triệu/m3/năm.

dsc_5555.jpg

Lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT - Chủ đầu tư trả lời các câu hỏi của Phóng viên. (ảnh: Đ.Hòa)

Hồ hiện hữu ở các khu vực trên đều được cân bằng dung tích rất kỹ, không đủ năng lực và không có mạng lưới để tưới tiêu cho nơi khác. Chưa kể, các hồ nằm ở độ cao khác nhau, nên không thể lấy hồ ở hạ du để tưới cho thượng du. Hồ Ka Pét ở thượng nguồn nên bên cạnh phục vụ nước cho vùng sản xuất sẽ cung cấp nước cho các hồ phía dưới. Vì thế, Dự án hồ chứa nước Ka Pét là một trong những công trình ưu tiên đầu tư theo chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ. Dự án còn nằm trong quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về lâu dài, hồ Ka Pét còn là nơi trung chuyển nước từ sông La Ngà về, bổ sung nước thô cho phía nam tỉnh Bình Thuận, điều tiết dòng nước sông Cà Ty.

z4672176869444_f31bbcf0b453e64ce68bd52afa0ae9b9.jpg
Khu vực xây dựng lòng hồ chứa nước Ka Pét. (ảnh: M. V)

“Quyết tâm đến 2025 dự án này sẽ hoàn thành”

Đó là phát biểu quả quyết của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải khi có phóng viên hỏi rằng: Bình Thuận chưa hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Vậy việc chậm phê duyệt có ảnh hưởng đến tiến độ khởi công cũng như hoàn thành dự án vào năm 2025?

z4671654468060_f0440a57df7096040e69000f3009f339(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cùng đoàn công tác gặp gỡ lãnh đạo xã Mỹ Thạnh (ảnh: M. V)

Theo BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, vào tháng 9/2020, công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) đã hoàn thành. Do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh hồ sơ và dự kiến trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trong tháng 9/2023.

z4672104026619_f59390c7522662e205f5c27a7fd6af6f.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại buổi họp báo (ảnh: Đ. Hòa)

Với câu hỏi của phóng viên: “Việc đánh đổi hơn 600 ha rừng để xây hồ có đáng không?”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải thích: “Khi dự án này hoàn thành sẽ cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200 ha, cung cấp nguồn nước cho 120.000 dân và cung cấp 2,63 triệu m3 nước mỗi năm cho KCN Hàm Kiệm II. Dự án cũng góp phần phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, thảm thực vật xung quanh hồ. Việc tác động tiêu cực do chuyển đổi mục đích đất tại dự án là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn… Như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nói “Nước cũng là tài nguyên, rừng cũng là tài nguyên. Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất”.

z4672151257931_30aca40220a0dd63f0aaa7f6e7cfd118.jpg
Nhiều câu hỏi được trả lời thẳng thắn tại  buổi họp báo (ảnh: Đ. Hòa)

Một số hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng nơi đây sẽ bị ảnh hưởng gì sau khi diện tích rừng bị mất?

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, những hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở khu rừng kế bên, không ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Khi có hồ, bà con có thể sản xuất cả mùa mưa lẫn mùa khô và có thể nuôi trồng thủy sản trên mặt hồ. Đồng thời, Bí thư UBND xã Mỹ Thạnh và bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, cho biết trong 283 hộ dân trong xã có khoảng 200 hộ là nghèo và cận nghèo. Kinh tế đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nước tưới thiếu nên rất khó khăn.
"Về tham vấn cộng đồng, UBND xã đã lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về ảnh hưởng của hồ Ka Pét. Đa số bà con đồng thuận và ủng hộ triển khai dự án” - Bà Kha cho biết thêm.

M. VÂN

Related articles
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan để phê duyệt dự án đầu tư
Sáng 5/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cùng một số sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã đi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam.

(0) Comments
Focus
Phát triển kinh tế tập thể: Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngoài việc thường xuyên củng cố tổ chức Liên minh Hợp tác xã (HTX) qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, đòi hỏi các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh dự án Hồ chứa nước Ka Pét: Nhiều câu hỏi đã được trả lời thẳng thắn, thấu đáo trong buổi họp báo