Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có mặt tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 1/3 cùng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để tham dự cuộc họp G20, khi xung đột ở Ukraine và căng thẳng với Trung Quốc có thể làm lu mờ nỗ lực của nước chủ nhà Ấn Độ nhằm củng cố sự đoàn kết giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một cuộc gặp song phương giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga được cho là khó xảy ra, vốn đã không ngồi cùng phòng họp kể từ cuộc họp G20 ở Bali vào tháng 7 năm ngoái.
Ông Blinken và Lavrov gặp nhau lần gần đây nhất vào tháng 1/2022, vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Mặc dù họ có một số cuộc điện đàm kể từ đó, nhưng về các vấn đề khác chứ không phải xung đột.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov đã đến Ấn Độ vào cuối ngày 28/2 - quốc gia không chỉ trích Moskva vì xung đột ở Ukraine - và sẽ tận dụng sự tham dự tại G20 để nói chuyện với phương Tây.
“Chính sách phá hoại của Mỹ và các đồng minh đã đặt thế giới bên bờ vực thảm họa, gây ra sự thụt lùi trong phát triển kinh tế xã hội và làm trầm trọng thêm tình hình của các nước nghèo nhất”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Tương tự, nghi ngờ bên lề cuộc họp G20 kéo dài 2 ngày ở New Delhi lần này là cuộc gặp giữa ông Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương. Ông Blinken đã có "cuộc chạm trán nảy lửa" với quan chức hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước tại Đức sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Bắc Kinh trên bờ biển phía Đông nước này vào ngày 4/2.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vụ việc đã khiến ông Blinken hủy bỏ một chuyến thăm hiếm hoi tới Trung Quốc, chỉ trích "sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế" và "không bao giờ được xảy ra nữa".
Bắc Kinh, vốn cũng tức giận trước lập trường của Washington liên quan đến vấn đề Đài Loan, phủ nhận việc họ sử dụng khinh khí cầu do thám và nói rằng phương tiện này là để nghiên cứu thời tiết.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 lần này, ông Blinken cũng dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp trong nhóm "bộ Tứ" (Quad – Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) – được coi là "bức tường thành kiềm chế Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Trong khi Ấn Độ muốn tận dụng trên cương vị Chủ tịch luân phiên G20 năm nay tập trung vào các vấn đề như xóa đói giảm nghèo và khí hậu, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động của nó sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự.
Tuần trước, một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Ấn Độ đã không thống nhất được một tuyên bố chung sau khi Nga và Trung Quốc không kí vào biên bản kết luận về cuộc xung đột ở Ukraine.
Việc tổ chức các cuộc họp của G20 đặt Ấn Độ vào một vị trí khó khăn, bởi vì trong khi nước này chia sẻ những lo ngại của phương Tây về Trung Quốc, thì New Delhi cũng là khách hàng mua vũ khí lớn của Nga và đã tăng cường nhập khẩu dầu mỏ.