Xuất khẩu thanh long Bình Thuận: Hướng đến Ấn Độ - thị trường tiềm năng…

26/01/2022, 06:03

BT- Khởi đầu năm 2022, tình hình tiêu thụ thanh long của các vùng trồng lợi thế nói chung và Bình Thuận nói riêng tiếp tục gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ phía Bắc. Thế nên tính toán lâu dài, việc tìm đầu ra cho sản phẩm thanh long cần có giải pháp khả thi để tránh phụ thuộc duy nhất một thị trường và Ấn Độ đang là sự lựa chọn hướng đến…

thanh-long.jpg
Thanh long Bình Thuận sẽ được đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ.

Tương đương với Trung Quốc, thị trường Ấn Độ cũng có gần 1,4 tỷ dân nhưng người ăn chay chiếm tỷ lệ khá cao và thói quen ăn uống với trái cây là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đối với thanh long, Ấn Độ nhập khẩu 95% từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu… Cũng cần biết thêm, quốc gia này đã trồng thanh long tại một số bang như: Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh, West Bengal, Telangana, Tamil Nadu, Odisha, Gujarat, quần đảo Andaman - Nicobar và một số bang vùng Đông Bắc Ấn Độ. Hiện diện tích có khoảng 3.000 - 4.000 ha với sản lượng đạt 12.000 tấn/năm, song theo đánh giá thì sản lượng nơi đây còn thấp và chất lượng trái thanh long trồng tại Ấn Độ cũng không ngon, ngọt như thanh long Việt Nam.

Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng hỗ trợ các đoàn trong nước sang xúc tiến quảng bá sản phẩm, nhờ đó có nhiều doanh nghiệp quan tâm xuất khẩu thanh long tại thị trường này. Năm 2018, Thương vụ đã phối hợp Sở Công Thương Bình Thuận tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long tại thủ đô New Delhi, thành phố Mumbai. Hay như tổ chức quảng bá thanh long và ẩm thực Việt Nam trong Tuần lễ hàng Việt Nam tại khách sạn Sofitel Mumbai, gặp gỡ và ký biên bản hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan của Ấn Độ nhằm đẩy mạnh quảng bá sản phẩm…

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang Ấn Độ trong năm 2017 chỉ đạt 316.400 USD (tương đương 595 tấn), nhưng đến năm 2018 là 452.100 USD (khoảng 545 tấn) và năm 2019 tiếp tục tăng lên 822.200 USD (hơn 1.060 tấn), tức tăng bình quân 64%/năm. Dù vậy gần đây, xuất khẩu thanh long địa phương lại gặp khó trong tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên nhân là vì dịch Covid - 19 bùng phát mạnh ở một số nước, trong đó có thị trường Ấn Độ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Cụ thể: Năm 2020 đạt 377.160 USD (tương đương gần 450 tấn) và năm 2021 là 328.130 USD (tương đương 277 tấn)... Ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm vừa qua ngành cũng phối hợp Cục Xúc tiến thương mại tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021”. Kết thúc phiên kết nối giao thương trực tuyến, đến nay đã có doanh nghiệp của tỉnh đang kết nối, trao đổi thông tin cụ thể về giá cả, quy cách sản phẩm… hướng tới ký kết hợp đồng kinh doanh trong thời gian tới.

Ngay trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Bộ Công Thương và sở chức năng các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang tiếp tục tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ (bằng hình thức trực tuyến). Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thanh long, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Qua hội nghị này, địa phương kỳ vọng sẽ có thêm đối tác quan tâm và lựa chọn sản phẩm thanh long Việt Nam cũng như của Bình Thuận, nhiều hợp đồng kết nối giao thương và tiêu thụ được ký kết thành công...

Theo khuyến cáo, để thúc đẩy tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ thì các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp trong nước cần quan tâm đúng mức về thị trường tiềm năng. Từ đó có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với công tác xúc tiến thương mại tại thị trường Ấn Độ với những chương trình quảng bá lớn, đa dạng về hình thức nhằm đưa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Bởi trên thực tế, trái thanh long chủ yếu xuất hiện ở các khách sạn, buổi tiệc nhưng không xuất hiện nhiều trong nhà hàng và đặc biệt là tại siêu thị, quầy bán hàng hoa quả, bán hàng rong… vì thế nhiều người dân Ấn Độ không biết cách ăn, chế biến loại quả này.

Với thị trường Ấn Độ, các hiệp hội và doanh nghiệp cũng cần phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, xây dựng mức giá hợp lý, tránh trường hợp cạnh tranh lẫn nhau về giá. Mặt khác, kinh doanh phải đảm bảo chữ tín cũng như chất lượng sản phẩm, ký kết hợp đồng đảm bảo chặt chẽ mà nhất là điều khoản về chất lượng, kiểm tra hàng và điều khoản thanh toán (tránh chấp nhận thanh toán trả sau)…

Đ.QUỐC

Related articles
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa
BT- Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương đều bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thanh long Bình Thuận: Hướng đến Ấn Độ - thị trường tiềm năng…