Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa

25/01/2022, 06:11

BT- Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương đều bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

may-mat.jpg
May xuất khẩu. Ảnh: Đ.Hòa

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2021 đã vượt qua thách thức để bứt phá với kết quả ấn tượng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy lợi thế, giảm thiểu các tác động bất lợi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đối với các sản phẩm chủ lực. Qua đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của tỉnh có cơ hội tìm hiểu, kết nối cơ hội kinh doanh với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm lợi thế của tỉnh…

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2021 ước đạt 583 triệu USD, tăng 23,2% so với năm 2020, đạt 116,14% kế hoạch. Trong đó, nhóm hàng hải sản đạt 160,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 27,56%, đạt 97,1% kế hoạch, tăng 1,07% so với năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh, cá đông lạnh, mực, bạch tuộc đông lạnh… Nhóm hàng nông sản đạt 16,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,9%, đạt 125,19% kế hoạch, tăng 29,12% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thanh long xuất khẩu chính ngạch thực hiện 7,6 triệu USD, tương đương 5.100 tấn; cao su ước thực hiện 800.000 USD, tương đương 390 tấn, tăng 65,98% về giá trị và 17,8% về lượng so với năm trước. Nhóm hàng hóa khác đạt 405,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 69,54%, đạt 125,51% kế hoạch, tăng 34,63% so cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi mà dịch Covid-19 với biến thể mới Omicron đang lan nhanh trên toàn cầu. Vì vậy, bên cạnh việc khôi phục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm giám sát tình hình dịch bệnh. Để tiếp tục duy trì kết quả xuất nhập khẩu của tỉnh trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 và tình hình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho tỉnh các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi. Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc tham mưu, đề xuất kịp thời của các sở, ngành, địa phương giúp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự vượt khó của các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh sẽ đạt kết quả khả quan hơn. Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng về hình thức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, quan tâm, chú trọng các mặt hàng có sản lượng lớn, vào vụ thu hoạch...

PHAN LIÊN

Related articles
Điện mặt trời mái nhà: Mùa kinh doanh thất bát
BT- Với việc kinh doanh ĐMTMN trong năm 2021 chồng chất khó khăn chủ quan lẫn khách quan, chứ không đơn giản như ban đầu các nhà đầu tư nghĩ sự thuận lợi trong bán được ánh nắng trời cho.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa