Vùng sầu riêng VietGAP ở Đa Mi

12/07/2024, 05:20

“Thời điểm này có sầu riêng rụng, không thuốc hả anh”? “Có chứ, đang đúng lúc thu hoạch. Cô đến lúc này là vừa kịp thưởng thức sầu riêng cơm vàng, thơm ngọt. Hợp tác xã vừa được cấp giấy chứng nhận VietGAP đấy” - Lời “cám dỗ” ngọt ngào ấy từ ông Trịnh Văn Chất, chủ trang trại sầu riêng ở xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) khiến một “tín đồ” sầu riêng như tôi càng thấy hăng hái, tò mò.

Tiếng lành đồn xa

Đang vào mùa sầu riêng chín rộ, loại trái cây giá trị kinh tế cao này được bày bán khắp mọi nơi, ngay cả Phan Thiết cũng nhiều vô kể. Vậy nhưng, làm sao để tìm được cho mình loại sầu riêng ưa thích, biết rõ nguồn gốc, an toàn để sử dụng lại được nhiều người tiêu dùng quan tâm, mà tôi cũng không ngoại lệ. Ngay lúc ấy, thông tin về một hợp tác xã sầu riêng ở Đa Mi, nơi đầu tiên được cấp mã số vùng trồng sầu riêng tại địa bàn, nay lại vừa được tổ chức chứng nhận FAO thẩm định, đánh giá chứng nhận VietGAP vào cuối tháng 6/2024 với 11 hộ thành viên, diện tích 40 ha, dự kiến 600 tấn/năm đã khiến tôi tò mò, tìm đến tận nơi.

c04bd0c3db2d7973203c.jpg
Vườn sầu riêng VietGAP ở Đa Mi.

Đó là thôn văn hóa La Dày, nơi phần lớn diện tích sầu riêng của HTX được trồng ở khu đất rộng mênh mông trên những triền đồi núi cao thấp. Nhìn xuống phía dưới là mặt nước hồ Đa Mi xanh ngát, tạo nên một vùng khí hậu ôn hòa, thích hợp cho cây sầu riêng phát triển. Trong tiếng cười phấn khởi, ông Chất – chủ trang trại sầu riêng, cũng là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX SX-KD DVNN) “khoe” với chúng tôi: “Sầu riêng Đa Mi đang thu hoạch rộ. Nông dân bán tại vườn với giá khoảng 85.000 đồng/kg với giống Thái Monthong và 51.000 đồng/kg với giống Ri 6, cao hơn giá năm ngoái bình quân 15.000 đồng/kg và đang có chiều hướng tăng những ngày tới”. Tất nhiên, theo nhẩm tính của ông chủ trang trại, thì chắc chắn mùa sầu riêng năm nay người trồng có lãi cao. Bởi mỗi ha canh tác sầu riêng tương đương 150 đến 170 cây, sản lượng thu hoạch bình quân từ 18 đến 25 tấn…

cbc383aa8d442f1a7655.jpg
Ông Chất nâng niu "quả ngọt".

Ông Chất dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng bạt ngàn, thoai thoải, trên những sườn đồi nhấp nhô cao thấp để tìm sầu rụng. Chúng tôi leo lên dốc cao, nơi chủ vườn giới thiệu là có nhiều cây sầu riêng cổ thụ, trái nhiều, rất đẹp khi đứng chụp ảnh, tạo dáng. Bỗng tôi nghe “bộp” – có tiếng sầu riêng vừa rụng thật. Ông Chất nhanh chân đến dưới gốc cây cầm trái lên, cho rằng tôi may mắn vì gặp sầu riêng rụng giữa ban ngày, và không ngần ngại tặng quả sầu riêng Ri 6 thơm nức nặng hơn 3kg. Không cưỡng nổi sự thèm thuồng với trái sầu rụng, chúng tôi đã khui ngay tại vườn, thưởng thức những múi sầu riêng vàng ươm, ngọt ngào ấy...

b1757fc71436b668ef27.jpg
Múi sầu riêng Đa Mi cơm dày, ngọt thanh.

Trang trại có đường bê tông đến từng khu đất trồng, đang có khoảng 8 nhân công lao động cố định, chưa kể lao động thời vụ. Gần 20 ha sầu riêng, chủ yếu giống Thái Monthong và Ri 6, đã được 8 đến 10 năm tuổi, hầu hết đang thời kỳ thu hoạch, trong đó có 5 ha thuộc HTX. Đứng giữa bạt ngàn cây sầu riêng to lớn, tỏa bóng mát và chi chít trái vừa được chứng nhận VietGAP, tôi không khỏi xuýt xoa trước quy mô của vườn sầu riêng được đánh số từng vùng trồng, bố trí khu vực kho bãi, nơi vệ sinh sạch sẽ, chuẩn GAP. Ở một góc vườn là kho chứa phân đạm, đa số là các loại hữu cơ như phân, trấu, ớt trái… để tạo ra chế phẩm sinh học chăm sóc cây, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Tò mò, tôi được chủ vườn cho biết, ông và một số hộ thành viên khác đang sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ.

“Tiếng lành” của thương hiệu sầu riêng Đa Mi được lan tỏa, trước đó ở Đa Mi cũng đã có một doanh nghiệp sầu riêng khác được chứng nhận VietGAP. Và thời điểm này, khi có thêm vùng trồng VietGAP, thì vùng quê yên ắng lại trở nên sôi động, rộn ràng hơn bao giờ hết. Nơi chúng tôi đứng là nhà chị Huỳnh Thị Thanh Xuân – Phó Giám đốc HTX SXKD -DVNN Sầu riêng Đa Mi, cũng là trụ sở hoạt động của HTX.

14687e1070fed2a08bef.jpg
Các thành viên tập kết, mua bán sầu riêng tại văn phòng HTX.

Ở đó, tôi dễ dàng nhận thấy hình ảnh rõ nét về sự xôm tụ của nhiều thương lái khắp mọi nơi tìm đến vùng đất này để thuê mặt bằng làm nơi thu mua sầu riêng xuất khẩu. Họ đến từ các vùng khác như Đồng Nai, miền Tây khi nghe tin Đa Mi vào mùa sầu riêng thơm ngon, nên đã đến trước thời điểm thu hoạch gần cả tháng để tìm chỗ thuê mặt bằng thu mua. Ngay như chị Xuân cũng được thương lái thuê mặt bằng với giá 30 triệu đồng/tháng/vựa, thời gian thuê kéo dài từ 2 đến 4 tháng. “Nếu buổi tối có mặt ở đây, mới thấy sự tấp nập ra vào, vận chuyển nông sản của các xe tải ở các vựa” - chị Nhị, người hàng xóm nói thêm, đi kèm với nụ cười tươi.

6b12ce3ac0d4628a3bc5.jpg
Niềm vui trúng mùa, trúng giá.

Vượt khó tạo nên “trái ngọt”

Đã quá trưa, câu chuyện về trái sầu riêng và HTX vẫn còn dở dang. Ông Chất, vẫn tính nhiệt tình, hiếu khách, cầm chiếc điện thoại thông minh, thao tác thoăn thoắt ứng dụng. Ông giới thiệu cho tôi về việc quét mã QR, xem mã vùng trồng, quy trình ghi nhật ký điện tử, quá trình bón phân, thu hoạch và truy xuất vùng trồng sầu riêng của HTX. Đó là những bước cơ bản của sản xuất GAP mà ông và những nông dân khác buộc phải áp dụng, trước khi nhận được chứng nhận VietGAP như bây giờ. Để có được những “trái ngọt” ấy, bà con đã trải qua sau bao khó khăn, vất vả và quá trình thay đổi nhận thức về sản xuất sạch.

1ac5c5cdcb23697d3032.jpg
Mua bán sầu riêng nhộn nhịp ở thôn văn hóa La Dày.
5d65f0ea931b3145680a.jpg
Vựa mua bán sầu riêng ở Đa Mi.

Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, ông vẫn chưa thể quên chặng đường dài đã đi qua. Gia đình ông vốn gốc Bắc, rồi vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) lập nghiệp. Sau khoảng thời gian làm đại lý trái cây, vì muốn có một khu vườn của riêng mình nên mới đến Đa Mi mua đất canh tác vào năm 2010. Thời điểm ấy, vùng đất này còn hoang hóa nhiều, chủ yếu là tre nứa, phải cải tạo công phu. Người dân ở đây chủ yếu là dân di cư tự do từ các tỉnh, thành khác. Đa số bà con trồng cây cà phê, chứ sầu riêng mới chỉ có ít hộ trồng. Khi mới hình thành, HTX có tổng vốn góp 220 triệu đồng, với 11 thành viên và 40 ha. Khi ấy, bà con còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như chi phí đầu tư khá cao và kỹ thuật chăm sóc khó. Người có kinh nghiệm lâu năm cũng phải từng đối mặt với sâu bệnh trên cây sầu riêng, nhất là sâu đục thân, bệnh xì mủ dẫn đến năng suất thấp. Chưa nói đến việc tiêu thụ sản phẩm khi ấy chủ yếu chỉ là buôn bán nhỏ lẻ cho các thương lái tiêu thụ nội địa và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cũng không thiếu thời điểm, giá cả sầu riêng chính vụ có nhiều biến động, giá thấp, bị “dội chợ” khiến nhiều hộ đứng ngồi không yên.

81931df55c2afe74a73b.jpg
Giấy chứng nhận VietGAP của HTX vừa nhận được.

Vì sao ông lại chọn Đa Mi là nơi đầu tư, canh tác cây sầu riêng? Tôi thắc mắc. Ông Chất không ngại chia sẻ rằng, Đa Mi có khí hậu, thổ nhưỡng rất tốt. Thời tiết ở đây ôn hòa, đất màu mỡ. Tiềm năng nhất là ở đây có hồ Đa Mi, rất thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Có lẽ vì thế, những năm gần đây ở Đa Mi đã hình thành một số HTX trồng sầu riêng, trong đó có HTX SXKD -DVNN Đa Mi hình thành vào năm 2021. Ông Chất với kinh nghiệm lâu năm của mình về cây sầu riêng đã đảm nhiệm chức danh giám đốc, cùng chị Xuân và các thành viên khác chèo lái “con thuyền” kinh tế tập thể và vừa có thêm thành viên mới tham gia.

Trong bữa ăn trưa ngay tại HTX, lâu ngày có khách tới, nên chị Xuân cùng một số thành viên trổ tài nấu nướng các món “cây nhà lá vườn”, tráng miệng bằng sầu riêng chín cây. Anh Kỳ là thành viên HTX, theo lời đặt hàng của chúng tôi, tranh thủ chở đến mấy ky sầu riêng già trồng hữu cơ mới thu hoạch, lựa những trái ngon nhất trước khi thương lái đến chở đi, kèm lời dặn: “Phải để mấy ngày sau, chờ rụng cuống mới ăn được nhé!”.

Đứng bên cạnh, nông dân “tri điền” Trịnh Văn Chất cầm trên tay trái sầu riêng mới hái, tỏ ra chưa hài lòng về mẫu mã, cũng như sản lượng năm nay không bằng năm ngoái. Bởi do ảnh hưởng của đợt nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới. Mặc dù chưa đến mức chặt bỏ trái để dưỡng cây như một số vùng trồng sầu riêng ở Đức Linh, nhưng bà con cũng phải cầm cự, tăng chi phí chăm sóc, bơm tưới mới giữ được lứa thu hoạch như bây giờ.

Chuyện vượt khó của HTX để có được mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam) là thành công bước đầu, “trái ngọt” mà họ đã phải đổi lấy bao khó khăn, cùng sự giúp sức của địa phương, cơ quan chuyên môn mới có được. Riêng với chúng tôi, khi tạm xa vùng đất này cũng không quên mua sầu riêng chín cây ngay tại vùng trồng về làm quà cho người thân, bè bạn ở Phan Thiết. Sau cơn mưa chiều, vùng cao Hàm Thuận Bắc trở nên thật xanh mát, phủ xanh bởi bạt ngàn cây sầu riêng tạo nên không gian mênh mông, như hướng đi cho nơi vùng sầu riêng VietGAP Đa Mi vươn xa…

PHÓNG SỰ: KIỀU HẰNG

Related articles
Du ngoạn trên hồ Hàm Thuận - Đa Mi
Một ngày cuối tuần của xuân Giáp Thìn, chúng tôi theo tuyến quốc lộ 55 đến vùng đất Đa Mi (Hàm Thuận Bắc). Đây là địa phương duy nhất đang sở hữu 2 hồ nhân tạo khá lớn, sau khi công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi hoàn thành, đó là hồ Hàm Thuận có diện tích mặt nước gần 2.500 ha và hồ Đa Mi rộng hơn 700 ha.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng sầu riêng VietGAP ở Đa Mi