Vốn tín dụng chính sách - “trụ cột” giảm nghèo bền vững

24/04/2024, 05:05

Trong hành trình giảm nghèo tại Bình Thuận cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Xứng đáng “trụ cột” thoát nghèo

Cách đây vài năm gia đình chị Hồ Thị Huyền ở thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) thuộc hộ cận nghèo của xã. Gia đình làm nông, gia tài vỏn vẹn chỉ có vài sào đất nên vợ chồng chị phải thường xuyên đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy để lo cho cuộc sống và nuôi con ăn học. Năm 2018, con trai chị nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học, cả nhà vỡ òa trong niềm vui nhưng đằng sau đó là nỗi lo lấy tiền đâu cho con học đại học 4 năm ở TP.Hồ Chí Minh. Thông qua hướng dẫn của Hội Nông dân xã, chị được vay số tiền 60 triệu đồng cho 4 năm học, gia đình vui mừng khôn xiết. Từ đó, gia đình có động lực cố gắng làm ăn trả lãi đúng hạn cho ngân hàng, sau đó chị mạnh dạn đề xuất vay thêm 40 triệu đồng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Chị Huyền đầu tư 20 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản phát triển đàn bò đến nay lên 6 con, số tiền còn lại bắt nước sạch và xây dựng công trình vệ sinh. Chị Huyền tâm sự: “Nếu như không có nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước chắc chắn vợ chồng tôi đến giờ vẫn còn đi làm thuê thu nhập bấp bênh, con tôi không học được đến nơi đến chốn”.

Vốn chính sách đòn bẩy giúp người nghèo vươn lên.

Thời gian qua, nguồn vốn chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống góp phần quan trọng thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã đề ra mục tiêu giảm 0,52% hộ nghèo toàn tỉnh và đảm bảo người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống; tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỉnh đã triển khai đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS. Trong đó, vai trò vốn chính sách đóng góp rất quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo, đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt.

Giải ngân vốn vay vùng đồng bào DTTS.

Nhìn lại năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh đã giải quyết cho 3.986 hộ nghèo vay trên 181,7 tỷ đồng; 10.022 hộ cận nghèo vay trên 458,4 tỷ đồng và 19.828 hộ mới thoát nghèo vay 739,9 tỷ đồng để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 6.621 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,96% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 2.038 hộ so với tổng số hộ nghèo đầu năm (8.659 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Toàn tỉnh hiện có 74/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn không ngừng tăng trưởng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh. Các địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, chính quyền các cấp, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Võ Thị Minh Thảo – Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách đạt 4.810 tỷ đồng với gần 115.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho trên 1,6 ngàn lượt hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giúp hơn 5.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 9.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; tạo điều kiện cho 17 đối tượng chấp hành xong án phạt tù vay vốn sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay do nguồn vốn ngân sách địa phương còn thấp, trong khi nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng rất lớn. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung, ủy thác NHCSXH cho vay năm 2024 là 24,1 tỷ đồng chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ có mức sống trung bình. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 99.303 hộ có mức sống trung bình, nhưng đối tượng này hiện chưa có chương trình cho vay để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Vì vậy, NHCSXH đề nghị Tổng Giám đốc NHCSXH bổ sung nguồn vốn các chương trình theo kế hoạch, đặc biệt vốn cho vay giải quyết việc làm; UBND tỉnh xem xét, bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với các đối tượng theo Nghị quyết số 111 của Quốc hội. Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt kế hoạch “Huy động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo năm 2024”…

THANH DUYÊN

Related articles
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Thăm, tặng quà 33 Mẹ Việt Nam anh hùng và 20 gia đình chính sách
BTO-Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng với công đoàn bộ phận các huyện, thị xã, Hội sở tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trong tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vốn tín dụng chính sách - “trụ cột” giảm nghèo bền vững