Viết tiếp loạt bài “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao: Cần đẩy mạnh tuyên truyền và quản lý chặt chẽ

27/06/2022, 05:29

“Đề nghị Bộ đội biên phòng, báo chí, chính quyền... nên tuyên truyền và quản lý chặt chẽ hơn... Chứ như thế này tội lắm”.

Sau khi loạt bài 3 kỳ “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao được báo Bình Thuận đăng tải, nhiều trang mạng xã hội đã dẫn nguồn đăng tải. Qua đó, nhiều bạn đọc đã đồng tình với việc báo Bình Thuận đã vào cuộc tìm hiểu, bóc trần hết các chiêu thức mà các đối tượng đã sử dụng để dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin. Thông qua câu chuyện của những nạn nhân mà báo Bình Thuận đã đề cập trong loạt bài đã giúp cho người dân có cái nhìn khách quan nhất về những hệ lụy của vấn nạn này gây ra.

Tỉnh táo trước những lời cám dỗ

“Việc nhẹ, lương cao”. Câu mồi này đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh sống không bằng chết...? Họ lợi dụng lúc khó khăn, túng quẫn của đồng loại để ra tay lừa đảo...”, bạn đọc Nguyễn Long chia sẻ. Còn bạn đọc Trần An Nhiên thể hiện sự bức xúc “Dịch dã, kinh tế toàn cầu xuống dốc là nỗi khổ cực vô cùng to lớn. Mong giữa người với người sống gần nhau hơn có tình yêu thương giúp lẫn nhau, không giúp được thì đừng hại nhau trên xương máu của đồng bào...!”. “Dạo này môi giới với đa cấp nhiều lắm. Mấy em nhỏ nghe tin này mong ngộ ra đi nha, đừng để cha mẹ lo nữa. Không học thì đi làm cái khác, La Gi thiếu gì việc làm..”, bạn đọc Nguyễn Hoàng Thuận chia sẻ.

untitled-2.jpg
Các bình luận của bạn đọc trên mạng xã hội 

Trên các trang mạng xã hội, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước những người Việt đã lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn và sự thiếu hiểu biết của một số bạn trẻ mà nhẫn tâm “lừa đảo” đồng bào mình, còn có nhiều bình luận là những người có người thân đã từng làm việc bị lừa sang lao động trái phép ở Campuchia. “Lúc trước em có đăng ký phiên dịch tiếng Việt online cho một số người Trung Quốc (tự xưng là có công ty lớn ở vài quốc gia). Nhưng tất cả các tài khoản đó đều là tài khoản ảo. Tụi đấy khôn lắm, toàn bảo người Việt Nam mình đi chiêu mộ mấy người mà không biết gì vì tiền mà mờ con mắt. Cứ bảo nào là làm ở Philippines, Campuchia... chỉ việc gõ máy nhập văn bản văn phòng, hoặc chỉ việc chơi thử bản demo game... lương tháng 60 triệu đồng/tháng, có chỗ ăn chỗ ngủ, không tốn phí đi lại (tất cả tụi nó lo hết), 3 tháng về nước 1 lần, hưởng hết các chế độ ở nước đăng ký làm (không hề có nha mọi người). Người tuyển vào được 1 người sẽ nhận % trong tiền người bị dụ đi. Đám này đi mướn người Việt mình một ngày 200.000 - 300.000 đồng chỉ việc đăng bài tuyển dụng trên các trang mạng xã hội. Trên đời này không có việc làm tiền “dễ xơi” đến vậy đâu ạ. Mọi người nên chú ý”, bạn đọc Bùi Thị Thanh Quyên, một phiên dịch viên tiếng Trung chia sẻ trên trang Facebook HaLo La Gi.

“Cũng vì tiền mà thôi, cuộc sống không tiền thì thiếu thốn mọi mặt. Dịch bệnh khốn khó kinh tế thì hạn hẹp. Chỉ mong mọi người ngộ nhận ra mọi thứ sớm hơn thôi. Đừng để lời ngọt này kia mà phải rời xa quê nhà bán thân cho nước khác để rồi nhận lại những nỗi đau về thể xác và tinh thần …”, bạn đọc Thiên Tân chia sẻ với giới trẻ. Còn bạn đọc Lê Hùng, sau khi đọc loạt bài trên báo Bình Thuận đã thể hiện sự chia sẻ với những trường hợp các em bị lừa sang Campuchia làm việc trái phép và bị yêu cầu chuộc về với số tiền rất lớn. “Đề nghị bộ đội biên phòng, báo chí, chính quyền... nên tuyên truyền và quản lý chặt chẽ hơn... Chứ như thế này tội lắm”, bạn đọc Lê Hùng đề nghị.

Quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền

Liên quan đến tình trạng lừa người lao động sang làm việc trái phép ở Campuchia, hiện tại Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết về phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh đã thiết kế các poster có nội dung tuyên truyền, thống kê các thủ đoạn và số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trên các trang mạng xã hội để người dân biết, phòng tránh.

289804331_196870466005085_1884653235903043652_n.jpg
Poster do các ngành chức năng tỉnh thiết kế cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo sang Campuchia làm việc

Hiện tại, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, đặc biệt là công an các tỉnh biên giới giáp Campuchia, triển khai rất nhiều giải pháp, như đưa lên truyền thông đại chúng các ấn phẩm thông tin tuyên truyền thủ đoạn của tội phạm. Bộ Công an cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền để các bạn trẻ nhận thức được ở trong nước các điều kiện kinh tế, đời sống những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ nâng cao lên rất nhiều. Đối với một số nước xung quanh, để kiếm được một công việc làm có thu nhập cao như Việt Nam là rất khó. Cho nên phải hết sức cân nhắc với lời mời “việc nhàn, lương cao”. Chỉ đồng ý đi khi có những người thân quen thật sự tin tưởng giới thiệu và cảm thấy phù hợp với trình độ, tay nghề của mình. Phải biết rõ mình sang đấy làm gì, có phù hợp với tay nghề, năng lực, điều kiện của mình không? Không nên tin vào những lời hứa hẹn.

Theo thống kê của các ngành chức năng thì vài tuần qua các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hệ lụy của việc sang nước bạn lao động trái phép, chia sẻ các câu chuyện của nạn nhân vừa được gia đình chuộc về từ Campuchia. Việc này đã mang lại hiệu quả rất lớn, người dân đã biết nhiều hơn đến vấn nạn này. Tuy nhiên người dân, nhất là những gia đình có các thanh, thiếu niên đang độ tuổi trưởng thành cần quan tâm hơn đến con em mình, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

NGUYỄN LUÂN

Related articles
“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 1
Mấy tuần nay, trên mạng xã hội nhan nhản những lời chào mời sang Campuchia làm việc văn phòng với mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng khi sang đến nước bạn, người lao động mới vỡ mộng làm giàu, người thì bị đánh “thừa sống thiếu chết” ôm đống nợ, người bị bán sang công ty khác như một món hàng. Tất cả sẽ được thể hiện trong loạt phóng sự “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao...

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viết tiếp loạt bài “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao: Cần đẩy mạnh tuyên truyền và quản lý chặt chẽ