“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 1

20/06/2022, 05:42

Mấy tuần nay, trên mạng xã hội nhan nhản những lời chào mời sang Campuchia làm việc văn phòng với mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng khi sang đến nước bạn, người lao động mới vỡ mộng làm giàu, người thì bị đánh “thừa sống thiếu chết” ôm đống nợ, người bị bán sang công ty khác như một món hàng. Tất cả sẽ được thể hiện trong loạt phóng sự “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao...

Kỳ 1: Sự thật kinh hoàng

Hầu hết các nạn nhân đều ở dưới 18 tuổi. Tất cả đều được chào mời sang Campuchia làm việc với mức lương khủng, hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhưng thứ chào đón họ bên kia biên giới là những trận đòn roi, là những khoản tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng.

img_4513.jpg
Những ngày làm việc ở Campuchia vẫn còn ám ảnh em D.

Những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng

Trên con đường Nguyễn Trường Tộ, sầm uất bậc nhất thị xã La Gi, có một ngôi nhà gần đây luôn đóng kín cửa. Họ đóng cửa vì ngại những ánh mắt của người lạ và quan trọng nhất là để đứa con gái, năm nay vừa bước qua tuổi 16 có thời gian ổn định tâm lý sau những gì em vừa trải qua. Trên chiếc giường xếp bằng sắt cũ kỹ, một bé gái đang nằm co ro mặt hướng vào tường. Em vừa được gia đình chuộc về từ Campuchia với số tiền hơn 76 triệu đồng. Thấy người lạ vào nhà, em đứng dậy chào nhưng khuôn mặt vẫn lộ rõ vẻ hoài nghi, sợ sệt. Do có hẹn từ trước nên sau một lúc, cuộc nói chuyện giữa chúng tôi đã cởi mở hơn và D bắt đầu kể về hành trình tìm giấc mộng giàu sang của mình.

Ngày 1/6, D lên trên mạng xã hội đăng tin tìm việc làm. Bởi em nghỉ học từ năm lớp 9, ở nhà mãi cũng buồn tay, buồn chân nên muốn kiếm việc gì đó để làm phụ ba chút đỉnh. 5 phút sau khi D đăng tin tìm việc đã có một tài khoản facebook tên Trà My vào nhắn tin, rồi xin số kết bạn zalo để nói thêm về công việc. Đoạn phỏng vấn của Trà My với D diễn ra có đúng 1 câu: “Em đánh máy tính nhanh hay chậm” và D trúng tuyển. Trà My yêu cầu D chụp ảnh căn cước công dân gửi qua zalo và yêu cầu D lên xe vào TP. Hồ Chí Minh làm việc với mức lương khủng 18 - 19 triệu đồng/tháng cho thời gian thử việc và từ 22 - 23 triệu đồng/tháng khi được nhận chính thức. Trà My cũng không quên dặn D không được nói với người nhà việc mình đi TP. Hồ Chí Minh làm việc. 11 giờ 30 phút, D lên xe đò vào TP. Hồ Chí Minh - nơi em sẽ trải qua quãng thời gian mà có lẽ em sẽ không bao giờ quên.

803665a5e3c1209f79d0.jpg
Căn phòng kỹ luật, nơi những nhân viên không đạt chỉ tiêu sẽ bị xử phạt

16 giờ ngày 1/6, D đến TP. Hồ Chí Minh và được một chiếc xe ô tô 4 chỗ đưa vào khách sạn có tên Hoa Mai để nghỉ. 16 giờ 30 phút, D cùng 1 bạn gái khoảng 18, 19 tuổi được đưa đi. Khi đến một đường đất đỏ xung quanh toàn là cây thì họ cho D xuống. Lúc này đã có 2 xe honda chờ sẵn đưa các em tiếp tục đến “miền đất hứa”. Đi được một lúc thì các em được cho xuống một vùng hoang vắng rồi tiếp tục cuốc bộ khoảng 45 phút trong rừng thì đến một con đường nhựa. Lúc này, có thêm 8 người nữa cũng khoảng tuổi em được đưa lên xe về công ty. Nhìn các biển quảng cáo ở cửa hàng toàn chữ Campuchia thì D biết mình đã sang đến nước bạn. Lúc này là sáng ngày 2/6.

Ngay khi đặt chân đến nước bạn, D đã được cho học việc ngay. D và những người đi cùng ngày hôm đó được công ty đưa cho một bản hợp đồng có cả tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Nhưng phần chữ tiếng Trung nhiều hơn phần chữ tiếng Việt và phần tiếng Việt đó có được dịch đúng nghĩa của phần tiếng Trung ở phía trước hay không, thì “có trời mới biết”. “Khi họ đưa em bản hợp đồng em đã không muốn ký rồi. Nhưng họ nói không ký thì trả tiền thuê người đưa rước, vận chuyển, chi phí ăn uống cho họ thì em bị ép vào đường cùng, phải ký để còn làm lấy tiền trả nợ”, D chia sẻ.

“Việc làm của em bên đó là gì?”, tôi bất ngờ hỏi. Không chút suy nghĩ D trả lời ngay: “Việc của bọn em là lừa đảo người khác”. Tôi hơi sững người, có chút hoài nghi những lời cô gái năm nay tròn 16 tuổi thốt ra. Nhưng, sau đó những gì D kể cho tôi nghe thì đây không phải là lừa người bình thường mà lừa người công nghệ cao, có hệ thống, bài bản được vạch ra từ những kẻ tán tận lương tâm.

Không đạt chỉ tiêu, bị chích điện, đánh bể đầu

Câu chuyện của tôi và D tiếp tục khi em kể tường tận về quy trình lừa người được công ty đào tạo. Nhân viên sẽ được công ty cấp cho một tài khoản facebook và zalo ảo. Nhân viên có nhiệm vụ vào các trang web bán hàng trực tuyến “cào khách” dưới chiêu thức dụ làm việc tại nhà thu nhập cao. Khi con mồi đồng ý cho số tài khoản ngân hàng và lập tài khoản thì sẽ được cấp một mã khuyến mãi lần đầu tham gia. Con mồi sẽ được tặng 30.000 đồng vào tài khoản. Nhân viên sẽ dụ dỗ khách hàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là hệ thống đơn hàng từ 1 - 10. Đơn hàng số 1, số 2 thì thường là những vật dụng rẻ tiền như quần áo. Đơn thứ 3 là những mỹ phẩm loại rẻ tiền trị giá vài trăm ngàn đồng. Đơn thứ 4, thứ 5 là những loại mỹ phẩm đắt tiền hơn trị giá từ một đến vài chục triệu đồng và cứ như vậy giá trị các đơn sẽ ngày một tăng cao. Nhân viên phải dùng chiêu để dụ khách tiếp tục các đơn hàng.

Nhưng, đó chỉ là một nửa sự thật mà nhân viên cho khách biết. Khi khách hàng đã đạt đến đơn thứ 3 thì thủ đoạn lừa đảo mới bắt đầu. Trước khi khách hàng thực hiện các đơn hàng, hệ thống sẽ gửi 1 thư khuyến mãi tới. Khi khách hàng thực hiện đơn đó ngoài vật phẩm được nhận khách hàng sẽ được nhận thêm phần trăm hoa hồng tương ứng và đơn càng cao thì chiết khấu càng lớn. Nhưng, đó chỉ là miếng bánh để dụ con mồi cắn câu sâu hơn. Nếu sau đơn thứ 3 mà khách hàng dừng lại, rút tiền trong tài khoản thì hệ thống sẽ báo là phải hoàn thành nhiệm vụ đơn hàng thứ 4 mới được rút. Tiếc tiền và tham chiết khấu lớn, nhiều khách hàng vẫn chấp nhận bỏ tiền ra để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng càng ngày sợi dây thòng lọng sẽ càng siết chặt cổ khách hàng. Khi đến số đơn hàng đủ lớn và nhân viên thấy khách đã “khô máu”, không còn tiền thì sẽ khóa tài khoản của khách. Và tất nhiên, cả tiền và hàng khách đã đổ vào những đơn hàng trước đó đều không được nhận. “Lúc em ở bên đó, có anh kia lừa của khách hàng được cả tỷ đồng. Nhưng em thì khi khách làm xong đơn 1, đơn 2 thì em bỏ khách, nhắn là khách không cần làm nữa. Bởi lương tâm của em không cho phép. Mình là người Việt mà lại đi giúp người khác lừa đảo người Việt là không được”, D chia sẻ. Nhưng cũng chính cái thiện lương đó đã đẩy em vào những ngày cùng khổ.

D sang Campuchia vào ngày 2/6, thì trong 3 ngày đầu em được giao chỉ tiêu: “lừa” đủ 3 triệu đồng/ ngày. Nhưng sang ngày thứ 4, chỉ tiêu đã tăng lên khủng khiếp: lừa đủ 80 triệu đồng/ngày. Nhưng lương tâm của D không cho phép mình làm việc xấu nên ngày đầu tiên của chỉ tiêu 80 triệu đồng, D đã được quản lý gọi vào nhắc nhở. Ngày 7/6, D vẫn làm theo cách của mình thì bị quản lý đưa vào phòng và dùng điện chích vào người. Rồi ngày 9, ngày 11/6, em bị công ty chích điện liên tiếp vì không hoàn thành chỉ tiêu. Làm việc từ 9 giờ sáng đến 0 giờ của ngày hôm sau, cộng với việc bị chích điện liên tục, ngày 12/6, D đã phải nhập viện vì kiệt sức. “Trong công ty có ai bị như em không ?”, tôi hỏi. “Hầu như ai cũng bị đánh. Nữ thì bị chích điện còn nam thì bị đánh bằng tay chân, vật cứng. Có hôm em đi làm về thấy anh kia bị bảo vệ và nhân viên công ty đánh chảy máu đầu ở cầu thang. Em cũng nghe mấy anh chị đi trước kể có người bị đánh chịu không nổi đã nhảy lầu tự tử. Tuy nhiên, trước khi vào làm, công ty đều yêu cầu chúng em không được kể cho ai nghe việc này”, D kể. Ngày 13/6, chịu không nổi, D phải gọi điện cho gia đình mang tiền qua chuộc về. Và số tiền này, gia đình em đã phải đi vay tiền góp mới có.

Khi về nhà, hàng đêm D vẫn ngủ mơ, những ngôi nhà, những tiếng la thất thanh, những lần bị chích điện vẫn ám ảnh em. Nhưng, như D vẫn còn là may mắn. Trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên còn ghi nhận những trường hợp bị đánh bầm giập, người chi chít những vết đòn roi. Và có những người chịu không nổi đã tự tử. Ở nhà vẫn còn đó những người mẹ khóc cạn nước mắt chờ con...

Kỳ 2: Nước mắt người thân

Kỳ 3: Bóc trần chiêu thức và xử lý nghiêm

PHÓNG SỰ: NGUYỄN LUÂN

Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 1