Vì sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm đáng kể?

25/03/2022, 05:26

Khoa học và thực tế chứng minh vắc xin phòng Covid-19 làm giảm số ca tử vong, giảm số ca bệnh chuyển nặng. Người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ sẽ bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Tỷ lệ tử vong giảm đáng kể

Từ ngày 27/4/2021 đến 24/3/2022, số ca tử vong do Covid-19 tại Bình Thuận là 457 ca, trong đó có 26 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Số người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 82,2%. Hầu hết bệnh nhân có bệnh nền, chiếm 88,5%. Tỷ lệ tử vong/số ca mắc là 1%, trong tổng 46.500 ca nhiễm thì có 457 ca tử vong, tỷ lệ nữ tử vong chiếm 64,4%.

tiem-vx-mua-xuan-1.jpg.jpg

Theo các cơ sở điều trị, các trường hợp bệnh nhân tử vong phần lớn nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch, biểu hiện suy đa cơ quan, tổn thương phổi lan tỏa, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), có can thiệp thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy xâm nhập. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, đáp ứng kém với điều trị. Tính từ ngày 1/1/2022 đến 15/3/2022, tỷ lệ tử vong giảm dưới 1% trong thời gian chưa đầy 3 tháng nhờ vào tỷ lệ cao về tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều. Cùng thời gian này, tổng số 15.402 ca nhiễm thì có 153 ca tử vong. Đáng chú ý, những ngày gần đây, số ca tử vong ghi nhận mỗi ngày 1 ca, ca bệnh chuyển nặng cũng giảm rõ; có những ngày không có ca tử vong nào do Covid-19. Nguyên nhân tử vong là do bệnh nhân mắc bệnh nền (đái tháo đường, suy gan, suy thận mạn, tăng huyết áp, béo phì, bệnh mạch vành…). Có trường hợp tử vong do chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin. Một số trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng khoảng cách từ mũi 2 đến ngày mắc Covid-19 chưa đủ 14 ngày. Trong khi đó, giai đoạn chưa tiêm vắc xin, trung bình mỗi ngày 1 - 3 ca tử vong do Covid-19.

Theo số liệu thống kê, các trường hợp tử vong tại Bình Thuận rơi vào bệnh nhân chưa tiêm vắc xin, chiếm tỷ lệ 66,3%; tiêm 1 mũi chiếm 16,9%; tiêm 2 mũi chiếm 16,2%; tiêm 3 mũi chiếm 0,7%. Như vậy, tỷ lệ tử vong giảm rất nhiều ở người tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 khi mắc bệnh.

Tăng cường tiêm mũi 3

Khoa học và thực tế chứng minh vắc xin phòng Covid-19 làm giảm số ca tử vong, giảm số ca bệnh chuyển nặng dẫn đến giảm tốn kém kinh tế nếu không may bị nhiễm Covid-19. Rõ ràng, lợi ích vắc xin mang lại lớn hơn rất nhiều so với những phản ứng bất lợi sau tiêm. Tỷ lệ gây các phản ứng nặng của các loại vắc xin nói chung đều rất thấp. Một đến vài trường hợp/100.000 người hoặc một vài trường hợp/1.000.000 người. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo tiêm vắc xin là đều cần thiết, nhất là tiêm mũi tăng cường. Người dân được tiêm vắc xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm Covid-19. Nếu có bị lây nhiễm, thì ít có khả năng chuyển nặng, tử vong. Đặc biệt người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính, bệnh nền. Ngành y tế kêu gọi người dân tích cực tham gia tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Hiện nay, ngành y tế tỉnh khẩn trương, đẩy mạnh việc tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát các trường hợp nguy cơ cao như người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin để phối hợp với địa phương tiêm đầy đủ vắc xin và theo dõi điều trị kịp thời nếu mắc bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ thường xuyên tập huấn năng lực chuyên môn hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực. Sử dụng thuốc kháng vi rút kịp thời cho các trường hợp bệnh ở mức độ trung bình và nặng tại các cơ sở điều trị thuộc tầng 2, tầng 3. Riêng bệnh nhân không triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ thì được quản lý cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà.

TRANG MINH

Related articles
WHO khuyến cáo không nên dùng Molnupiravir cho tất cả mọi người
Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra khuyến nghị chính thức không nên sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị cho tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm đáng kể?