Vì thế, thời gian tới, việc cạnh tranh để được đầu tư cụm công nghiệp Gia Huynh sẽ tuân thủ theo quy định pháp luật mà như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh là lựa chọn nhà đầu tư chặt chẽ ngay từ đầu để bảo đảm cho sau này.
Sức hút công nghiệp vùng phía Nam
Hiện tại của Bình Thuận là có nhiều nhà đầu tư cùng đăng ký đầu tư một dự án vốn đã có tên trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Tức sau khi nghiên cứu, tính toán, họ đã quyết định tìm đến Bình Thuận với đề xuất đầu tư dự án A hay dự án B là triển khai làm luôn. Vì thế, cũng dễ hiểu khi có những dự án với ưu thế nổi trội đã thu hút nhiều nhà đầu tư và ngặt nỗi là họ đăng ký cùng một thời điểm. Cụm công nghiệp (CCN) Gia Huynh thuộc xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh là một ví dụ. CCN Gia Huynh có tên trong Quy hoạch tỉnh, trong khi đó ở kề bên các cụm công nghiệp (CCN) như Đông Hà, Nam Hà và Nam Hà 2 thuộc xã Đông Hà, huyện Đức Linh đã hình thành, đón nhà đầu tư thứ cấp vào và đến nay với tỷ lệ lấp đầy đạt 85% diện tích. Nhờ vậy, đã tạo sự lan tỏa ra các vùng đất kề bên, cả của Đức Linh lẫn Tánh Linh, cụ thể CCN Gia Huynh đã lọt vào "mắt xanh" nhiều nhà đầu tư.

Tại cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh với Tập đoàn Cao su công nghiệp Việt Nam vào ngày 12/3/2025, tập đoàn ngoài đăng ký đầu tư khu công nghiệp rộng 300 ha tại xã Tân Hà, huyện Đức Linh cũng đồng thời đề nghị đăng ký CCN Gia Huynh 49 ha. Diện tích này thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận nên tập đoàn đề xuất cho công ty làm chủ đầu tư. Trước đó, không lâu một chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp khác cũng đã đăng ký đầu tư CCN Gia Huynh.
Tình huống này là đầu tiên ở tỉnh với đối tượng đầu tư là cụm công nghiệp, khiến các sở chức năng căn cứ quy định pháp luật tìm giải pháp trong lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, với cụm công nghiệp mà có 2 nhà đầu tư đăng ký như CCN Gia Huynh thì không thực hiện theo Nghị định 115/CP mà căn cứ theo Nghị định 31/CP, Nghị định 32/CP với tổng 12 tiêu chí để chấm điểm và lựa chọn nhà đầu tư có số điểm cao. Quá trình này, UBND tỉnh sẽ giao Sở Công Thương chủ trì làm việc với từng chủ đầu tư và thành lập hội đồng chấm điểm. Chủ đầu tư nào được điểm cao hơn thì sẽ được đầu tư CCN Gia Huynh.



Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Sở Công Thương thông tin thêm, các tiêu chí để chấm điểm căn cứ vào nguồn lực, trình độ, kinh nghiệm, vốn liếng… Nếu tính ra thì chủ đầu tư nào cũng có những lợi thế riêng nên cách hay nhất, thuận lợi nhất, đỡ mất thời gian là doanh nghiệp A chọn chỗ này, công ty B chọn chỗ khác để đầu tư.
Tại cuộc làm việc, Tập đoàn Cao su công nghiệp Việt Nam cho rằng, đó là đất do Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận quản lý, tài sản trên đất cũng của công ty… nên vẫn quyết định đầu tư. Vì thế, thời gian tới, việc cạnh tranh để được đầu tư cụm công nghiệp này sẽ theo quy định pháp luật mà như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh là lựa chọn nhà đầu tư chặt chẽ ngay từ đầu để bảo đảm cho sau này. 2 ngày sau, cũng tại xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, Ban quản lý các KCN tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có chuyến khảo sát hiện trạng khu vực dự kiến quy hoạch khu công nghiệp tại đây theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tất nhiên, trước đó, chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp có kinh nghiệm quan tâm đến khu vực này đã có kiến nghị.

Trong khi đó, tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức giai đoạn 1 đang được Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận đẩy nhanh thi công để kịp chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Bình Thuận. Cũng trong ngày 12/3, Tổng Công ty Sonadezi, công ty mẹ của công ty trên đã làm việc với tỉnh đề xuất các dự án, công trình có nằm trong Quy hoạch tỉnh, trong đó có đề xuất xây dựng KCN Tân Đức giai đoạn 2 rộng 600 ha.


Sẵn sàng cho đấu thầu
Nguồn tin của Báo Bình Thuận cho biết, đến thời điểm này một tập đoàn đang hoàn tất tổ hợp các dự án trên các lĩnh vực vui chơi giải trí – thể thao, nghỉ dưỡng biển, du lịch tâm linh… bao phủ toàn vùng huyện Hàm Thuận Nam sang thị xã La Gi với điểm nhấn tại chùa núi Tà Cú. Đây là nội dung có định hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh về khu vực phát triển du lịch phía Nam của vùng trung tâm, bao gồm dải du lịch ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Khu vực này sẽ phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng và một số tổ hợp du lịch cao cấp theo mô hình các khu du lịch phức hợp, đa dạng sản phẩm. Cụ thể, hình thành khu du lịch sinh thái gắn với Khu bảo tồn Tà Cú; các khu du lịch cộng đồng ở các khu dân cư hiện hữu, đảm bảo quyền tiếp cận biển cho người dân, du khách. Trong đó, hình thành tổ hợp các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, tâm linh, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, sân golf với không gian khu vực núi Tà Cú, ven sông Phan, ven biển thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam.

Theo Luật Đầu tư mới, dự án trên sẽ được đưa ra đấu thầu trên mạng nên các nhà đầu tư chủ động chuẩn bị các bước cần thiết sẵn sàng tham gia đấu thầu và nếu được trúng thì sẽ triển khai sớm. Trước đó, cuối năm 2024, cũng từ kết quả đấu thầu qua mạng, Tập đoàn Sun Group, tập đoàn đã được chấp thuận trở thành nhà đầu tư của khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né. Mới đầu tháng 3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sun Group về hợp tác chiến lược phát triển đầu tư. Đây là hoạt động triển khai chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ để phấn đấu tăng trưởng hai con số năm 2025 và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Theo lãnh đạo của Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận, việc đề xuất triển khai tiếp giai đoạn 2 của KCN cũng là phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Thuận. Qua đó, còn đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật của KCN; đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân của địa phương. Và cuối cùng quyết định là tạo điều kiện hình thành nên một KCN hiện đại, kiểu mẫu công nghệ cao theo định hướng chủ trương của Chính phủ về phát triển KCN xanh, KCN sinh thái, Net-zero... Hay nôm na là KCN cộng sinh đồng thời ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.




Tại buổi làm việc, Bình Thuận ghi nhận Sun Group trong quá trình nghiên cứu tại địa phương, đã nghiêm túc đóng góp ý tưởng phát triển du lịch, dịch vụ, hạ tầng một cách bài bản, sáng tạo, với sự tham vấn ý kiến độc lập từ những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới. Tỉnh Bình Thuận mong muốn Tập đoàn Sun Group tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm nhiều dự án mới, phù hợp với quy hoạch tỉnh Bình Thuận và lợi thế của Tập đoàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bình Thuận trở thành một tỉnh trọng điểm trong khu vực về du lịch và dịch vụ.

Trong khi đó, Tổng Công ty Vigracera chuyên đầu tư trên 2 lĩnh vực gồm vật liệu xây dựng và bất động sản lọt Top 50 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2021 cũng đang nghiên cứu đầu tư dự án tại Bình Thuận. Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư lớn khác đã đặt vấn đề với tỉnh, quan tâm đến những dự án trọng điểm của giai đoạn 2025 - 2030, mà với tầm vóc được phác họa, nếu triển khai sẽ đưa Bình Thuận có một diện mạo khác biệt với hiện tại…

Bài 2: Không chỉ vì còn dư địa phát triển rộng