Vì sao thiệt hại do cháy, nổ tăng cao?

22/03/2024, 05:00

Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới”, Bình Thuận đã đạt một số kết quả quan trọng, song thiệt hại về người và tài sản do cháy lại tăng...

Giảm số vụ nhưng thiệt hại tăng

Vụ cháy tại nhà giữ xe tang vật trong Công an huyện Tánh Linh ngày 9/3 một lần nữa cho thấy, tình hình cháy nổ đang diễn biến khó lường, khó kiểm soát và ngay tại cơ quan có nhiệm vụ PCCC cũng có thể xảy ra cháy. Trong vụ cháy này, qua xác minh ban đầu, hỏa hoạn xuất phát từ hành động bất cẩn (vứt tàn thuốc) của một chiến sĩ công an nghĩa vụ, gây thiệt hại về tài sản khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài vụ cháy trên, thời gian qua Bình Thuận còn xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, cháy ở cơ sở sản xuất kinh doanh để lại những hậu quả nặng nề.

dsc04705.jpg
dsc04312.jpg
Các lực lượng phối hợp diễn tập PCCC&CNCH.

Công an tỉnh cho biết, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2024, Bình Thuận xảy ra 20 vụ cháy khiến 4 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản 118 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số vụ cháy giảm 13 vụ (giảm 39%) nhưng thiệt hại về người tăng 4, thiệt hại về tài sản tăng 114 tỷ đồng (tăng gần 29 lần). Đây là thực trạng đáng báo động bởi tính chất, hậu quả nghiêm trọng do cháy gây ra. Qua điều tra, nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn chủ yếu do vi phạm quy định về PCCC, sự cố hệ thống, thiết bị điện. Ngoài ra, tỉnh còn xảy ra 1 vụ nổ khí gas làm 1 người chết. Được biết, khi kiểm tra an toàn PCCC tại 32.336 lượt cơ sở, lực lượng Công an, UBND cấp xã đã phát hiện, yêu cầu khắc phục gần 4.000 sơ hở, thiếu sót về PCCC, đồng thời xử phạt hành chính 99 trường hợp với số tiền gần 500 triệu đồng.

Trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), đến nay toàn tỉnh có 2.497 đội PCCC cơ sở với 14.982 đội viên. 14 đội PCCC chuyên ngành với 332 đội viên). 18/86 đơn vị (2 xã, 16 doanh nghiệp) được công nhận điển hình tiên tiến phong trào toàn dân PCCC. Các ngành, địa phương đã xây dựng 31 mô hình tự phòng, tự quản về PCCC, 720 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và 656 điểm chữa cháy công cộng, 100% nhà ở hai tầng có lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai. Vận động trên 191.300/333.400 gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, đạt tỷ lệ 58%.

Còn chủ quan trong PCCC

Tình hình cháy nổ diễn ra phức tạp là vậy, nhưng đến nay nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC đã chỉ ra từ nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục triệt để. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 795 hẻm nhỏ xe chữa cháy không thể vào được. Nguồn nước chữa cháy vùng đô thị chủ yếu lấy từ những trụ nước chữa cháy, tuy nhiên tại các tuyến đường trong đô thị còn thiếu rất nhiều trụ nước chữa cháy, chưa bảo đảm 150m/trụ nước. Qua khảo sát vẫn còn 173 trụ nước chữa cháy bị sự cố không có nước, bị lấp van ngầm, hư hỏng.

Trong khi đó, công tác thực tập, diễn tập các tình huống PCCC chưa thường xuyên, nghiêm túc, có nơi buông lỏng quản lý. Công tác vận động người dân, các gia đình trang bị bình chữa cháy đạt tỷ lệ thấp, việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” còn ít so với thực tế, nhiều nơi đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Về nguyên nhân, bên cạnh những lý do khách quan như: một số quy định về an toàn PCCC chưa đồng bộ, chưa thống nhất, kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH còn hạn chế... thì vẫn có không ít tồn tại bắt nguồn từ sự chủ quan của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp. Điều đó lý giải vì sao cháy nỗ vẫn xảy ra, hiệu quả chữa cháy thấp, kể cả vụ cháy nhà dân ở xã Phong Nẫm, cháy tàu thuyền ở phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) và vụ cháy nhà xe trong Công an huyện Tánh Linh.

Đồng chí Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, PCCC&CNCH là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Vì thế, các ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai, nội dung tuyên truyền phải thiết thực để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng. Công an tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực, là lực lượng nòng cốt trong PCCC&CNCH cần nghiêm túc rút kinh nghiệm ngay khi xảy ra các vụ cháy, nổ, nhất là những vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa công tác huấn luyện nghiệp vụ, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý nhà nước về PCCC. Tăng cường kiểm tra về PCCC tại chung cư, nhà cao tầng, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, tập trung đông người.

Mặt khác, Sở Xây dựng cần rà soát, kiểm tra chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong việc chấp hành quy định về cấp phép xây dựng đối với các dự án, công trình nhất là công trình chuyển đổi công năng sử dụng có nguy cơ cháy, nổ cao, tập trung đông người. Ưu tiên mọi nguồn lực đảm bảo hệ thống cấp nước phục vụ công tác chữa cháy khi lập quy hoạch các công trình, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thường xuyên cảnh báo, có biện pháp ngăn ngừa tình trạng đốt cỏ rác, nương rẫy để tránh gây cháy lan vào rừng. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng PCCC&CNCH trong các trường học và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng môn học, cấp học...

LÊ PHÚC

Related articles
Đình chỉ hoạt động cơ sở phế liệu không đảm bảo an toàn PCCC
Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy trước thực trạng nhiều điểm kinh doanh phế liệu không đảm bảo yêu cầu về môi trường và phòng cháy chữa cháy (PCCC)...

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao thiệt hại do cháy, nổ tăng cao?