Vì sao Phan Thiết chậm di dời cơ sở phế liệu ra khỏi khu dân cư?

27/04/2020, 09:15

BT- Ngày 31/3 là mốc thời hạn cuối mà UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải di dời tất cả các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng đến thời điểm này, TP. Phan Thiết vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ trên…

                
      Một điểm từng tập kết phế liệu ở phường Phú Hài (TP. Phan Thiết).

Việc tồn tại các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây mất trật tự giao thông, trật tự đô thị. Khi xảy ra cháy nổ rất dễ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì thế, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương khẩn trương di dời những điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư, chậm nhất đến 31/3/2020 phải hoàn thành. Chấp hành chủ trương của tỉnh, phần lớn các chủ cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh đều tiến hành di dời. Tuy nhiên, trong các khu dân cư ở một số địa phương hiện vẫn còn nhiều cơ sở tập kết phế liệu.

Tại TP.Phan Thiết hiện vẫn còn 17 điểm tập kết phế liệu trong khu dân cư. Trong đó, ở phường Phú Thủy, Đức Long có 5 điểm chứa sắt cũ; tại phường Mũi Né, Phú Hài, Đức Long và xã Phong Nẫm có 12 điểm chứa phế liệu… trong nhà. Được biết, các điểm tập kết phế liệu còn lại hầu hết là của các hộ tự thu mua nhỏ lẻ trong khu dân cư, sau đó tập kết tạm tại nhà trong khoảng thời gian từ 2 - 3 ngày rồi vận chuyển đi nơi khác bằng xe Hoa Lâm (không vận chuyển bằng xe tải như trước đây). Theo UBND TP.Phan Thiết: Với thực trạng trên, để xử lý vi phạm về đăng ký kinh doanh như trước đây là chưa đủ cơ sở.  Bởi theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, “ngành nghề buôn bán phế liệu không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và pháp luật không cấm”. Do vậy, chỉ có thể áp dụng các hình thức xử lý vi phạm về phương tiện giao thông và các quy định về phòng cháy chữa cháy, vấn đề này thuộc chức năng, thẩm quyền của lực lượng công an các cấp. Trong khi đó, từ cuối tháng 2/2020 đến nay, do công an phải tập trung lực lượng để phòng, chống dịch Covid-19 nên công tác xử lý vi phạm có lúc bị gián đoạn. Hơn nữa, khi cán bộ các phường đến kiểm tra cũng chưa thể làm việc được với chủ hộ vì các điểm này thường xuyên đóng cửa, do đó chưa di dời được các điểm tập kết phế liệu trong nhà.

UBND TP.Phan Thiết cho biết, để di dời các điểm tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện các điểm thu mua, tập kết phế liệu vi phạm phải kiên quyết xử lý. Yêu cầu Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố tạm thời không giải quyết cấp đăng ký kinh doanh mua bán sắt cũ cho tất cả các điểm thu mua, tập kết phế liệu mà UBND tỉnh đã chỉ đạo di dời. UBND TP.Phan Thiết cũng chỉ đạo nơi nào không hoàn thành việc tham mưu xử lý, di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư thì lãnh đạo và cán bộ liên quan sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật. Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố đã phê bình Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né và công chức địa chính phường vì không hoàn thành nhiệm vụ trên. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm lãnh đạo, công chức UBND các phường, xã, cơ quan, đơn vị có liên quan không hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp là chủ cơ sở thu mua, tập kết phế liệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai, xây dựng, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ.

TẤN THÀNH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Phan Thiết chậm di dời cơ sở phế liệu ra khỏi khu dân cư?