Vì sao nhiều trường hợp F0 không khai báo?

23/02/2022, 15:31

Sau Tết Nhâm Dần, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Đáng lo ngại là nhiều trường hợp F0 được ghi nhận do người dân tự khai báo.

Liệu con số F0 được công bố so với số ca mắc trên thực tế có chính xác hay không khi thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều F0 không khai báo. Phải chăng, các biện pháp quản lý, điều trị, cách ly F0 và F1 tại nhà như quy định hiện hành đã có những bất cập? 

Anh Nguyễn, người vừa tự điều trị khỏi Covid-19 tại nhà cho biết, khi thấy triệu chứng ho, sốt, anh đã tự mua kit test nhanh rồi gọi điện báo với y tế địa phương mình đã dương tính SARS-CoV-2. Qua điện thoại, nhân viên y tế phường chỉ hỏi thông tin cá nhân, tiêm vaccine hay chưa, triệu chứng thế nào và hướng dẫn cách điều trị tại nhà. Sau đó, anh tự mua thuốc điều trị, vài ngày tự test kiểm tra. Anh Nguyễn cho biết, gần 10 ngày tự điều trị tại nhà, nhân viên y tế không hề đến thăm khám. Khi test nhanh cho kết quả âm tính SARS-CoV-2, anh chủ động gọi điện báo với Trạm y tế phường để được xác nhận kết quả và hướng dẫn làm thủ tục khỏi bệnh. Vì không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị tại nhà nên khi thành viên thứ 2 trong gia đình bị mắc Covid-19, anh đã không muốn báo với y tế mà tự chăm sóc, điều trị cho người nhà mình.

“Giờ xác định phải sống chung với Covid-19 chứ tôi bị cũng thấy bình thường chứ có gì đâu. Bây giờ chủ yếu là do ý thức của mình thôi. Còn nếu bị mà cảm thấy chưa phải nằm một chỗ, nếu có đi ra ngoài thì cũng chẳng ai biết, vì nguồn lây tùm lum ngoài cộng đồng, chứ không phải như trước đây”- anh Nguyễn nói.

Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại nhiều địa phương tăng nhanh. Tại thành phố Đà Nẵng, mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca dương tính SARS-CoV-2, có ngày gần cả ngàn ca mắc. Nhiều trường hợp F0 được ghi nhận do người dân tự phát hiện và có đến 93% bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay đang được điều trị tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết, địa phương có 2 đường dây nóng tại UBND và Trạm Y tế phường. Hầu hết, người dân mắc Covid-19 đều khai báo nghiêm túc và được nhân viên y tế phương quản lý theo dõi chặt chẽ. Ông Nguyễn Văn Hữu thừa nhận, nếu người dân không khai báo thì cũng không thể kiểm soát được.

“Thực tế, UBND phường tiếp nhận nhiều thông tin người dân báo rằng tự mua test thử và phát hiện dương tính, bây giờ cần làm thủ tục gì tiếp theo. Vấn đề phòng chống dịch quan trọng là ý thức của người dân. Nhưng thực tế, nếu người dân không báo, phường có 29.000 dân thì làm sao mình biết là họ có bị bệnh hay không”- ông Hữu nói.

Theo quy định, khi tiếp nhận thông tin về những trường hợp F0 do dân khai báo, nhân viên y tế địa phương phải đến lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm F1 liên quan đến F0. Sau đó, phân loại bệnh nhân, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 có các triệu chứng nguy cơ nặng đưa đi điều trị tại cơ sở y tế, nếu bệnh nhẹ, đủ điều kiện thì cho điều trị tại nhà. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ y tế địa phương. Mặt khác, khi gia đình có người F0, một số nơi vẫn cử lực lượng đến dán bảng khu vực cách ly trước nhà, các thành viên trong gia đình là F1 không được ra khỏi nhà, dẫn đến tình trạng người dân không muốn khai báo với Trạm y tế cơ sở khi mắc Covid-19.

Bà Trần Thị Kim Yến, Trưởng Trạm Y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho rằng, hầu hết các ca F0 cho phép điều trị tại nhà đều triệu chứng nhẹ, chỉ sau 7 đến 10 ngày là khỏi bệnh. Quy định bắt buộc F0 và thành viên trong gia đình có người F0 đều không được ra khỏi nhà, mục tiêu là để kiểm soát, hạn chế lây lan cộng đồng. Nhưng, thực tế không thể quản lý hết tất cả số ca F0 trong cộng đồng. Theo bà Trần Thị Kim Yến, cần thay đổi cách đánh giá, quản lý, điều trị F0 cho phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là bệnh nhân nhẹ; tập trung theo dõi, điều trị những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine để hạn chế chuyển nặng và nguy cơ tử vong.

 “Thực ra, công tác điều trị F0 tại nhà thì chủ yếu là hướng dẫn người ta tự  theo dõi sức khỏe, còn nhân viên y tế là người hỗ trợ thôi. Bây giờ, tất cả mọi cái đã mở cửa trở lại mà suốt ngày cứ F0, F1, đi lấy lấy mẫu xét nghiệm thì thấy không còn phù hợp. Với lại bây giờ, người dân đã tiêm vaccine ngừa được 2 mũi, 3 mũi rồi. Nếu có test nhanh dương tính mà họ đã tiêm đủ 2 đến 3 mũi, trong độ tuổi thanh niên, lao động thì cần xem xét lại cách quản lý điều trị"- bà Yến nói.

Thực tế cho thấy nhiều người không khai báo khi phát hiện mắc Covid-19 với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, nhiều trang mạng xã hội lan truyền dày đặc thông tin về quảng cáo và rao bán đơn thuốc điều trị F0 tại nhà. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng với kinh nghiệm nhiều năm làm Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhìn vào đơn thuốc đó đã thấy rùng mình. Nếu người dân tự ý đặt mua, sử dụng các loại thuốc đó thì chỉ có vào bệnh viện cấp cứu ngay, rất nguy hiểm.

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm, việc F0 tự điều trị, không khai báo gây khó khăn cho địa phương, ngành y tế trong công tác giám sát, quản lý, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi rác thải của những F0 này không được xử lý đúng quy trình: “Hiện nay, còn rất nhiều người tự xét nghiệm và điều trị tại nhà và không khai báo rác thải của họ sẽ đi đâu? Nếu như F0 tự điều trị tại nhà và chất thải đó không quản lý là vi phạm về vấn đề quản lý chất thải nguy hiểm và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đề nghị Tiểu ban điều trị phối hợp với Tiểu ban Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền người dân phải khai báo”.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay bước sang giai đoạn mới “thích ứng - an toàn - linh hoạt”, không còn phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, tầm soát như trước đây. Hầu hết các hoạt động, thậm chí các loại hình dịch vụ nguy cơ lây nhiễm cao tạm dừng hoạt động trước đây cũng đã được mở cửa trở lại bình thường. Khi chấp nhận chung sống với dịch thì công tác chống dịch phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của người dân cùng với sự quản lý linh hoạt của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Từ những bất cập trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm thay đổi các quy định về phòng chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn. Điều quan trọng là các cơ sở y tế phường, xã phải tạo được niềm tin, thật sự là chỗ dựa tin cậy đối với người dân trong lúc dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp./.

VOV.VN

Related articles
Giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh từ ngày 21/2
Nếu không có tác động từ thuế, phí và Quỹ Bình ổn, trong kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng trên 1.000 đồng/lít.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều trường hợp F0 không khai báo?