Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em là quyền được tiêm chủng và để không bị lây nhiễm

22/02/2022, 10:10

Thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, các chuyên gia y tế đều khẳng định một thông điệp rất rõ ràng: Tiêm chủng lợi ích rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với rủi ro.

Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một phản ứng chính sách rất sáng suốt và kịp thời. Thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, các chuyên gia y tế đều khẳng định một thông điệp rất rõ ràng: Tiêm chủng lợi ích rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với rủi ro. Các bậc cha mẹ không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em.

Từ khi con gái học lớp 1 trở lại học trực tiếp, chị Nguyễn Thị Hà ở Sóc Sơn, Hà Nội luôn thấp thỏm lo lắng, bởi cứ vài hôm, nhà trường lại thông báo có học sinh nhiễm Covid-19. Lo lắng là vậy, nhưng khi nghe thông tin sẽ sớm triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, chị lại băn khoăn.

"Cháu lớn nhà tôi 14 tuổi và đã được tiêm phòng 2 mũi, tuy nhiên sau khi tiêm phòng xong có phản ứng phụ như sốt, cháu mệt, bản thân tôi cũng đã tiêm 3 mũi và lần nào tiêm xong cũng mệt và đau cánh tay, bây giờ mà cho cháu 7 tuổi, đứa thứ 2 này tiêm thì cũng rất lo lắng, không biết có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không, cũng sợ nhiều phản ứng phụ xảy ra nên cũng rất hoang mang lo lắng và cân nhắc xem có cho cháu tiêm hay không", chị Hà nói.

Cùng chung lo lắng về tác dụng phụ và những ảnh hưởng của vacine, chị Nguyễn Thu Hương ở quận Hai Bà Trưng cho biết  qua tìm hiểu thấy trẻ mắc Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ nên cũng ngần ngại không muốn tiêm chủng cho con.

"Con được tới trường học trực tiếp cũng khá lo lắng việc con bị lây nhiễm Covid-19. Nhưng thấy phần lớn các con bị nhiễm Covid cũng không có triệu chứng nặng. Còn nếu tiêm vaccine thì không biết con có bị ảnh hưởng sức khỏe gì sau này hay không, rồi phản ứng sau tiêm nữa nhiều trẻ lớn tiêm cũng khá nghiêm trọng. Nên tôi cũng rất băn khoăn khi cho đứa con nhỏ của tôi tiêm vaccine Covid-19", chị Hương cho biết.

Trước những băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh, các chuyên gia y tế chia sẻ: Với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau, cụ thể là trẻ em từ 5 cho đến 11 tuổi sẽ sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất. Sự an toàn của loại vaccine này đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Hiện đã có 60 nước chỉ định vaccine của hãng Pfizer BioNTech sản xuất cho trẻ em.

Trong đó, tại Châu Á, một số nước như: Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia đã chấp thuận sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi... PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định, ngành y tế rất vững tay triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn để bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch COVID-19”.

"Hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vaccine chúng ta đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12 cho tới 17 tuổi. Hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng", PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết.

Đề cập sự lo ngại của phụ huynh về sự ảnh hưởng của Vaccine Covid-19 đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương, nhận định những ảnh hưởng ngay lập tức từ 5-7 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.

"Bản chất của vaccine là thành phần ARN thông tin, đi vào trong tế bào vào bào tương, tạo ra các protein gai, các Protein gai thoát ra ngoài phối hợp cùng với một số các tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể chống đỡ lại virus. Nó không xâm nhập vào trong nhân tế bào. Do vậy, đây là cơ chế khoa học rất rõ ràng khẳng định rằng nó không ảnh hưởng tới về lâu dài cũng như di truyền đối với trẻ em", PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Đối với các phản ứng sau tiêm, các chuyên gia y tế cho rằng: phụ huynh cần phối hợp với cán bộ tiêm chủng và hệ thống y tế theo dõi các phản ứng bình thường hay nặng để có thể xử trí hợp lý. Qua kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, ghi nhận số liệu tiêm chủng rất an toàn, với gần 10% là phản ứng thông thường. Còn phản ứng nặng cũng có ghi nhận phản ứng phản vệ độ 2, các cháu đã được xử trí kịp thời và qua khỏi.

Nhấn mạnh tầm quan trọng sau các đợt tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đã kéo giảm số trường hợp bệnh nặng và tử vong, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh nêu thực tế tại địa phương: sau khi tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, số trẻ nhập viện vì Covid-19 giảm hẳn. Tháng 11 năm ngoái có 163 trường hợp, đến tháng 1 năm nay chỉ có 75 trường hợp. TS.Nguyễn Thanh Hùng cho rằng điều quan trọng khi tiêm cho trẻ em thì kế hoạch tiêm luôn được chuẩn bị kỹ càng, thận trọng, chu đáo.

"Làm sao tổ chức triển khai bài học kinh nghiệm qua tổ chức, tiêm cho các cháu từ 12-18 tuổi, ngoài chuyện chuẩn bị thuốc, dây chuyền bảo quản thì việc đầu tiên phải tạo sự đồng thuận trong xã hội và phụ huynh, thấy rõ lợi ích của việc tiêm vaccine cao hơn nhiều so với việc để trẻ bị nhiễm Covid-19, có những biến chứng lâu dài rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó cả xã hội tiêm vaccine, còn có 10% trẻ em này thôi, thì nhóm trẻ này trở thành yếu thế, dễ lây. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập kế hoạch, tổ chức tiêm chu đáo, các bác sỹ có nhiều kinh nghiệm trong tiêm vaccine sẽ tham gia, chúng tôi tổ chức thành từng đội, tiêm theo trường, khu vực quan trọng là sàng lọc, theo dõi kỹ sau tiêm", PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng nói.

Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng.

Do đó theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận từ góc độ quyền được bảo vệ của trẻ em, quyền được tiêm chủng và không bị lây nhiễm bệnh tật, nếu cha mẹ không ủng hộ việc tiêm chủng thì chúng ta đã tước bỏ quyền của trẻ em./.

VOV.VN

Related articles
Trong 2 tháng cao điểm Tết đã xử lý 27.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn
Sau 2 tháng ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp trước và sau Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 27.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (27/12)
Ẩm thực góp phần nâng tầm du lịch; Về quê đón tết; Nhạc Noel và Réveillon; Cảm nhận về “Ươm vào đất chút hương”; Bình Thuận: Ngư dân trúng đậm tôm hùm con; Hội đồng hương Quảng Ngãi - Gia An: 15 năm miệt mài đóng góp cho cộng đồng; Kiểm soát giao thông qua thiết bị thông minh… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 27/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em là quyền được tiêm chủng và để không bị lây nhiễm