Về vùng đất “địa linh nhân kiệt”

21/01/2025, 09:45

Dặm dài quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam hay từ Nam ngược Bắc, mỗi khi vào đến Tuy Phong thì ấn tượng đầu tiên là những trụ điện gió cao chót vót bên cạnh bờ biển xanh đã tạo cho du khách ấn tượng khó quên.

Lần này, trong chuyến hành trình về Tuy Phong vào những ngày cuối đông, tôi đến với Bình Thạnh, nơi nổi tiếng với các di tích chùa Hang, bãi đá Bảy màu và không xa mấy với di tích lịch sử Đồi Cát Bay, thắng cảnh Gành Son, La Gàn… Đặc biệt ở đây còn có một công trình mang ý nghĩa về sự ghi ơn một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam - Tổng Bí thư Lê Duẩn, vừa được công nhận Di tích “Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn” vào năm 2023.

le-duan.jpg
Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Vào thời nhà Nguyễn, ở đoạn bờ biển này có con đường quan báo đi qua dịch trạm Thuận Võng và cửa tấn La Hàn. Nơi ấy có chợ Bình Thạnh còn gọi là chợ La Gòng - theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí. Có nghĩa Bình Thạnh cũng là một địa danh khá xưa thuộc huyện Tuy Phong từ giữa thế kỷ 19. Vùng đất này có nhiều đình, chùa, miếu cổ của người Việt trên 200 năm. Ở mỗi địa danh, ngọn đồi, ngôi miếu… luôn gắn với câu chuyện thần bí, ly kỳ. Địa hình phong cảnh đồi cát, bãi đá sắc màu bên bờ biển đẹp Bình Thạnh như một bức tranh lung linh, huyền ảo. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cũng tại đoạn bờ biển này đã trở thành điểm dừng chân của những đoàn cán bộ cao cấp di chuyển theo lộ trình vừa đường bộ vừa đường biển từ Bắc vào Nam và ngược lại. Có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự an toàn bởi lòng dân và xa tầm kiểm soát của địch, nên các đoàn công tác đến đây để chờ mùa gió vượt biển ra Tuy Hòa, Phú Yên hay hướng vào Nam có cửa Lộc An, Xuyên Mộc… Có thể coi đây là vùng đất “địa linh” với nhiều huyền thoại lưu truyền trong dân gian mang tính nhân văn, đạo nghĩa, tình người… Tại ngôi Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ở xã Bình Thạnh, liền kề với xã Phú Lạc, thị trấn Liên Hương, xã Chí Công và bờ biển Đông phong phú các loài hải đặc sản. Cũng bên bờ biển này có ngôi chùa Cổ Thạch nổi tiếng từ 200 năm với những tảng đá tự nhiên, mang hình thù độc đáo làm cho khách thập phương giàu thêm sự tưởng tượng.

Đồng chí Lê Duẩn sinh năm 1907 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và một ý chí kiên định theo con đường đã chọn. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Duẩn trở thành đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng. Trên các cương vị Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, rồi Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam… đồng chí đã có những phát kiến, chương trình hành động để lãnh đạo phong trào đáp ứng cho từng giai đoạn lịch sử đấu tranh ở Nam bộ.

Dấu ấn lịch sử của đồng chí Lê Duẩn với quê hương Bình Thạnh là sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí từ nhà tù Côn Đảo trở về và đối mặt với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, dồn dập những khó khăn và đồng chí được tổ chức Trung ương Đảng cử vào Ủy ban cải tổ Đông Nam bộ và nhận trọng trách với vai trò Bí thư Xứ ủy Nam bộ lâm thời. Rồi chiến sự lan rộng từ Tây nguyên đến Nam khu V và đồng chí Lê Duẩn với sứ mệnh mới nên lặng lẽ lên đường. Nhiều chuyến tàu vào Nam chở đầy những đồng chí tình nguyện vì miền Nam ruột thịt. Trong những chuyến tàu đó có đồng chí Lê Duẩn và dừng chân ở Bình Thạnh, Tuy Phong chờ thông tuyến an toàn để xuôi Nam. Đó là vào khoảng tháng 6/1947, đoàn của đồng chí Lê Duẩn từ miền Bắc vào được gia đình ông Huỳnh Tiếng và bà Phạm Thị Nhường trực tiếp nuôi dưỡng và bảo vệ để chờ thời tiết thuận lợi cho cuộc hành trình theo con đường biển vào Nam. Trong thời gian ở đây đồng chí đã trao truyền lại những bài học cơ bản cho cán bộ địa phương nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức, đường lối, phương pháp cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo trong chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Trong sinh hoạt đời thường, đồng chí Lê Duẩn cũng lưu lại một hình ảnh giản dị, thân thiện đối với nhân dân địa phương mà qua dòng tưởng niệm khắc trên nhà bia rất trang trọng, thể hiện tình cảm nhớ ơn: “…Nhà tưởng niệm được xây dựng để tưởng nhớ đồng chí Lê Duẩn, lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người để lại một kỷ niệm đẹp với quê hương Bình Thạnh. Đây sẽ hội tụ của lòng tự hào, niềm tin, ý chí của nhân dân Bình Thạnh…”.

Tôi dạo quanh một vòng ngôi Nhà bia tưởng niệm nằm trên diện tích 773 m2, xung quanh là khu dân cư vẫn còn đậm chất quê với quang cảnh vườn cây trái hiền hòa, thoáng mát. Ấn tượng ban đầu khi đặt chân qua cánh cổng chính với kiểu dáng bề thế, nghiêm trang. Lắng đọng qua từng lời kể của những cụ ông cao tuổi về căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ trên lộ trình tăng cường sức mạnh lãnh đạo cho miền Nam ngay trên thửa đất này. Dù căn hầm đã bị san lấp qua thời gian trong hoàn cảnh chiến tranh cày nát nhưng trong tâm tưởng người dân nơi đây vẫn mang niềm tự hào, coi đó là sự góp phần cho công cuộc cách mạng. Được sự đầu tư của Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tạo dựng nên một công trình có ý nghĩa lịch sử, gồm các hạng mục: Bia tưởng niệm, cổng chính, ao sen, sân vườn… theo lối kiến trúc truyền thống, hài hòa cảnh quan thiên nhiên và trở thành điểm kết nối với quần thể các địa danh du lịch nổi tiếng chùa Hang, bãi đá Bảy màu, các ngôi chùa cổ và xóm chài Bình Thạnh yên bình.

Trên đường về, tôi mãi nghĩ về câu nói người xưa “địa linh nhân kiệt”. Quả thật, với vùng đất kỳ tích của Bình Thạnh này, từ thời lưu dân mở đất lập làng, trải qua các cuộc kháng chiến giữ nước đã tiềm ẩn một sức mạnh tinh thần cao cả và như điều tất yếu để có được sự hội tụ với những bậc anh tài, xuất chúng.

Sau hiệp định Giơnevơ, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục ở lại miền Nam và hoàn thành “Đề cương cách mạng miền Nam” đề cập đến vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang và trở thành cơ sở để Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 (1959)… Nhờ sự tác động đó mà ở Bình Thuận đạt được những thắng lợi lớn như chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng và nhiều sự kiện nổi bật của quân dân Bình Thuận - Khu VI trong thời kỳ đầu chống Mỹ…

GHI CHÉP: THANH BÌNH

Related articles
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết Mẹ Việt Nam anh hùng
BTO-Chiều 20/1, ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đến thăm, chúc tết Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Hàm Thuận Nam

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về vùng đất “địa linh nhân kiệt”