Ứng xử của cán bộ, đảng viên với mạng xã hội

03/10/2022, 20:13

BTO - Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội (MXH) chỉ là “chơi thôi”, nhưng trong cuộc chơi này không hoàn toàn vô bổ, cũng như không hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng MXH phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên lại càng phải thận trọng hơn...

Chớ cả tin

MXH có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được”. Chẳng hạn, tình cờ nhìn thấy các clip trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Pháp, sẽ giúp ta hiểu hơn về sự uyên bác phong thái đĩnh đạc, về sức thuyết phục của Bác và Đại tướng. Từ đó thêm lòng yêu kính và vững niềm tin về tương lai của cách mạng Việt Nam, để có thêm quyết tâm đi trên con đường mà các vị cách mạng tiền bối đã chọn.

Thế nhưng, không phải điều gì trên MXH cũng đáng tin. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép thiếu trách nhiệm, thậm chí là ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Cách đây vài năm, MXH thường đưa ảnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy gắn với phát biểu gây sốc về tình hình biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Từ thông tin này, nhiều người “cả tin”, rồi có những bình luận ác ý nhắm vào đồng chí này cũng như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Ngày 17/7/2017, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đăng tải thông báo chính thức về vụ việc này, “khẳng định hình ảnh của bà Thủy bị gán với thông tin nhạy cảm là một sự bịa đặt hoàn toàn nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo tỉnh và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”.

Còn rất nhiều thông tin khác liên quan đến các vị lãnh tụ của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước về tình hình biển Đông, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc… có những thông tin sai lệch hoặc những gán ghép có ý đồ xấu, nếu người đọc không tỉnh táo, không thận trọng mà tin theo thì có khi rất tai hại, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác.

hinh-mxh.jpg

Không chia sẻ khi chưa chắc chắn về độ chính xác

MXH cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ rất nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ MXH có tính năng “lọc”, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, có tính chất bạo lực. Thế nhưng, với các nội dung khác, MXH gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm duyệt.

Trong việc này, người dùng nên xem nguồn gốc của thông tin từ đâu. Nếu người đưa thông tin không dẫn nguồn, ta có thể tự tìm nguồn bằng những “từ khóa” trong nội dung đó. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn gốc, có thể tiếp tục áp dụng các lưu ý tiếp theo. Đồng thời hãy tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin này. Nếu không có căn cứ xác định được mục đích của họ thì bản thân ta cũng nên tự làm rõ, vậy mục đích của ta là gì khi đăng lại thông tin đó?

Bên cạnh những trường hợp tỏ rõ sự ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì cũng có những người ghi rõ “để đây và không nói gì”, nhưng không vì thế mà ta không nhìn nhận được thái độ của họ. Ngoài ra, cũng nên xem lời lẽ của người đăng, như có nghiêm túc không, có thể hiện sự châm biếm, mỉa mai hay phê phán không…

Bày tỏ quan điểm khi cần thiết

Các MXH đều cho phép bày tỏ thái độ đối với một status của người trong friendlist. Chẳng hạn, Facebook cho phép người xem “thích”, “thả tim”, “ngạc nhiên”, “buồn”, “phẫn nộ”, cùng các chức năng bình luận, chia sẻ. Zalo thì cho phép “thả tim” cùng với chức năng bình luận.

Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Nếu là cán bộ, đảng viên có lẽ không nên chọn giải pháp lẳng lặng như thế, bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mình cho là chưa phù hợp. Thậm chí thể hiện ý kiến ngay bình luận dưới bài. Với những bài cần động viên, khích lệ thì dùng các biểu tượng có sẵn nếu không có điều kiện viết lời bình luận. Chép lại thông tin chưa phù hợp và “nói lại” về thông tin đó ở trang của mình.

Riêng với các link bài trên trang facebook của người khác, người phản đối hoặc muốn bạn mình đọc được thông tin đó có thể gắn tên người đó trong một bình luận. Và hãy luôn nhớ thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung, gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh (các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); an toàn và bảo mật thông tin; trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

HÙNG TRƯƠNG

Related articles
Phan Thiết: Xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân tốt hơn
Xây dựng thành phố thông minh đang là mục tiêu được nhiều đô thị hướng đến để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với TP. Phan Thiết, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) được triển khai thí điểm từ tháng 7/2022 bước đầu đặt ra không ít khó khăn trong hành trình hướng đến xây dựng thành phố thông minh và đô thị hiện đại, xanh, sạch, phát triển bền vững.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng xử của cán bộ, đảng viên với mạng xã hội