Phan Thiết: Xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân tốt hơn

03/10/2022, 05:43

Xây dựng thành phố thông minh đang là mục tiêu được nhiều đô thị hướng đến để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với TP. Phan Thiết, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) được triển khai thí điểm từ tháng 7/2022 bước đầu đặt ra không ít khó khăn trong hành trình hướng đến xây dựng thành phố thông minh và đô thị hiện đại, xanh, sạch, phát triển bền vững.

Thí điểm 4 lĩnh vực

TP. Phan Thiết được công nhận là đô thị loại II năm 2009, đang trong giai đoạn nâng chất các tiêu chí và hướng đến đô thị loại I vào năm 2025, việc xây dựng thành phố thông minh mang nhiều ý nghĩa. Đối với Phan Thiết, xây dựng thành phố thông minh là hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình triển khai, thực hiện. Chị Đinh Thị Hương (phường Phú Thủy – TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Tôi thường xuyên quan tâm, theo dõi các thông tin và rất vui mừng khi biết Phan Thiết đang tổ chức xây dựng ĐTTM. Tôi hy vọng với những tiện ích của những công cụ, công nghệ thông tin... sẽ đem lại cho thành phố những điều mới mẻ, diện mạo mới, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân”.

duong-le-duan-anh-n.-lan.jpg
Đường Lê Duẩn. Ảnh: N.Lân

Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết, thực hiện Kế hoạch số 41 của UBND tỉnh về triển khai đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; xuất phát từ yêu cầu thực tế, thành phố tập trung ưu tiên phát triển đô thị thông minh thí điểm 4 lĩnh vực gồm: Chính quyền điện tử, du lịch, an ninh an toàn và quy hoạch, quản lý đô thị. Về hệ thống mạng thông tin, thành phố đã có hệ thống kết nối từ tỉnh xuống UBND thành phố bằng hệ thống cáp quang chuyên dùng, mục đích dùng cho các hội nghị, cuộc họp trực tuyến từ Chính phủ xuống tỉnh và thành phố. Các phần mềm được triển khai tại UBND thành phố, các phòng ban chuyên môn và tại UBND các phường, xã thực hiện phần mềm do tỉnh triển khai dùng chung. Bên cạnh đó, mạng lưới bưu chính – viễn thông được trang bị hiện đại, công nghệ cao và chất lượng tương đối đồng bộ, nối mạng hoàn chỉnh đến tất cả các đơn vị hành chính trong tỉnh Bình Thuận. Các dịch vụ viễn thông và mạng thông tin di động áp dụng phương thức truyền dẫn bằng cáp quang và vi ba nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tổ chức và nhân dân trên địa bàn thành phố…

Tuy nhiên hiện nay cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đô thị, thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung, sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan, ban ngành của thành phố và của tỉnh. Các ứng dụng triển khai đến tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng công nghệ hiệu quả trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn thấp, chưa đáp ứng được hiệu quả của đô thị thông minh. Số lượng các dịch vụ tích hợp còn thấp, các ứng dụng chưa liên thông kết nối với nhau…

Sự đồng thuận 3 nhân tố

Xác định triển khai thí điểm và vận hành Trung tâm ĐTTM để đặt nền móng hướng tới xây dựng TP. Phan Thiết trở thành thành phố thông minh thông qua ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin – truyền thông, của cách mạng công nghiệp 4.0 vào các ngành kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần tăng cường sự kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng sống và làm việc, quản trị thành phố thông minh hơn và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững của thành phố. Từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022, Phan Thiết sẽ tiến hành giai đoạn 1 - Thí điểm Trung tâm ĐTTM. Theo đó, cải tạo phòng làm việc điều hành gồm: Màn hình tấm ghép, thiết bị công nghệ thông tin, nội thất văn phòng; Hệ thống camera triển khai mới 2 điểm camera PTZ tầm cao; tích hợp các hệ thống camera an ninh sẵn có tại phường, xã (dự kiến 25 camera); tích hợp hệ thống camera giám sát giao thông đã đầu tư tại TP. Phan Thiết. Trong giai đoạn 2 - năm 2023 sẽ triển khai chính thức, thực hiện đầu tư đầy đủ các hạng mục của Trung tâm ĐTTM bao gồm: Hạ tầng thiết bị; hệ thống phần mềm nền tảng IOC Phan Thiết; phản ánh công dân và giám sát thông tin truyền thông.

Theo Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân, muốn xây dựng ĐTTM, trước hết phải có sự đồng thuận của 3 nhân tố là Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái; thị trường là động lực vận hành; xã hội là những người giám sát thực hiện. Nói cách khác là phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh đồng thuận. Đồng thời, cần có công nghệ và nguồn vốn đáp ứng cho việc đầu tư, phát triển. Chính vì vậy, để xây dựng Phan Thiết trở thành đô thị văn minh, hướng tới thành phố hạnh phúc trong tương lai còn rất nhiều việc phải làm và không phải trong một thời gian ngắn là có được. Do đó, Phan Thiết rất cần sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan là yếu tố then chốt trong thành công của thành phố. Trong đó xây dựng chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng ĐTTM; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có thể chia sẻ và tích hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Xây dựng các ứng dụng thông minh trọng điểm trên các lĩnh vực tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, an ninh an toàn, du lịch trên địa bàn thành phố để hướng tới phục vụ người dân tốt hơn...

T.HÀ

Related articles
Xây dựng Phan Thiết thành đô thị thông minh
BT- Gần đây, các khái niệm “Đô thị thông minh”, “Đô thị hạnh phúc” hay “Đô thị thông minh - Thành phố hạnh phúc” thường được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cũng như các phương tiện thông tin truyền thông đề cập đến.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân tốt hơn