Việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trên địa bàn cũng được địa phương quan tâm nhằm tạo việc làm cho lao động. Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm mới cho lao động phát triển kinh tế. Nhờ đó, trong năm 2021 vừa qua, dù ảnh hưởng của dịch Covid- 19, nhưng huyện Tuy Phong cũng đã giải quyết việc làm cho 2.000 lao động nông thôn, đạt 100% chỉ tiêu.
Tại cơ sở mộc của ông Cao Văn Lượng hoạt động từ 30 năm nay, nhưng chỉ mới phát triển quy mô lớn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sự phát triển của cơ sở này, kéo theo nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng theo. Hiện tại, cơ sở đang giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động ở địa phương, trong đó nhiều người đã gắn bó với ông từ những ngày mới học việc, nay đã trở thành thợ lành nghề thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng; các chế độ lao động đều được cơ sở quan tâm. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở vẫn hoạt động bình thường, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, vì vậy mà những lao động ở đây vẫn có việc làm, thu nhập ổn định.
Tại cơ sở nhôm kính thị trấn Liên Hương, nhiều lao động là thanh niên trẻ ở địa phương cũng được chủ cơ sở tạo việc làm với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều em sau khi tốt nghiệp THCS hay chưa học xong cấp 3 cũng được tạo điều kiện học nghề trước khi được nhận vào làm. Đến nay cũng đã có tay nghề ổn định trang trải cuộc sống gia đình…
Ngoài việc tạo việc làm cho lao động nông thôn, các đơn vị sử dụng lao động ở huyện Tuy Phong cũng thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, các khoản phí cho Nhà nước và tích cực tham gia đóng góp vào nguồn quỹ vì an sinh xã hội và các phong trào do địa phương phát động. Nhờ được tạo việc làm mà nhiều lao động nông thôn ở huyện Tuy Phong có thu nhập tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.